Sau bài viết 'Ác mộng' trẻ quậy phá ở quán ăn, độc giả Binhle chia sẻ tiếp câu chuyện trẻ con nghịch ngợm ở nơi công cộng nhưng cha mẹ vẫn thản nhiên:
Tôi cũng gặp không ít trường hợp trẻ con nghịch ngợm nơi công cộng mà phụ huynh trơ mắt ra nhìn, không hề có hành động ngăn cản. Trong siêu thị, một đại gia đình đi qua một quầy hàng điện tử, đứa bé 4-5 tuổi đứng xé hết các bức quảng cáo của của hàng, giựt đổ luôn chiếc loa thùng. Cả nhà chỉ trơ mắt ra nhìn đến khi nhân viên ra cản đứa bé lại và dọn dẹp thì cả gia đình kéo nhau đi.
Lần khác trong quán cà phê, một vài đứa trẻ đuổi nhau la hét ầm ĩ mà phụ huynh không hề lên tiếng dù nhiều khách khác tỏ vẻ khó chịu ra mặt. Đuổi nhau một hồi cánh cửa kính đóng sập vào tay một bé, dập tay, khóc thét lúc đó bà mẹ mới hoảng hồn chạy lại còn trách nhân viên quán.
Theo tôi cứ thẳng thắn bụng làm dạ chịu, ba mẹ không quản, trẻ gây ra sự cố gì ba mẹ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Cấm viện lý do "cháu còn nhỏ".
Độc giả Le Khanh An chia sẻ việc dạy con nghiêm túc, không làm phiền người khác:
Là một bà mẹ có hai đứa con nhỏ, đang tuổi ăn và rất phá, tôi thật sự ngại ngùng việc làm phiền người khác. Vì tôi cũng rất khó chịu trước những hành động quấy phá làm phiền người khác của trẻ con ở nơi công cộng.
Tôi chỉ có cách là rất hạn chế đưa các bé ra ngoài, chỉ đi đến những nơi mà tôi chắc chắn có khả năng kiểm soát hành vi của bé, dặn dò bé cẩn thận về hành vi làm phiền người khác sẽ để lại nhiều hậu quả.
Nhưng thật sự, đôi khi cũng không thể triệt để giải quyết. Sự việc phiền phức lỡ xảy ra rồi, thì phụ thuộc nhiều vào thái độ giải quyết thành ý và khắc phục hậu quả của cha mẹ.
Độc giả yen nguyen nêu biện pháp cứng rắn với con:
Tôi dạy con mình phép lịch sự nơi công cộng. Nếu không tuân thủ thì bé không được đến nơi công cộng vui chơi, ăn uống cùng ba mẹ nữa và mình nghiêm túc thực hiện đến cùng hình phạt đã quy định trước. Bé sẽ nghiêm túc thực hiện mà không cần la mắng hay đòn roi nơi công cộng.
Những phép lịch sự thường là: Giữ im lặng, tuân thủ quy định nơi mình đến, không làm phiền người khác, không được đòi hỏi lợi ích riêng, di chuyển trật tự, xếp hàng, không xả rác, cảm ơn, xin lỗi, ngồi ngay ngắn và nghiêm túc.
Tôi dạy bé từ hơn một tuổi nên tạo được nếp và bé vui vẻ thực hiện.
Độc giả có nickname vinhankl khái quát rằng nhiều cha mẹ thường gián tiếp dạy con đổ lỗi, không chịu nhìn nhận lỗi lầm của bản thân khi xảy ra sự cố:
Thú thật, đa số chúng ta nên thực sự nghiêm túc suy xét lại và tích cực thay đổi cách giao tiếp, dạy dỗ con trẻ vì thực tế, chúng ta đã và đang góp phần làm hư con trẻ từ ngay những tháng năm đầu đời của chúng mà mình không hề hay biết. Ví dụ:
1. Bé tập đi, bé té ngã và khóc. Bà nội "đánh" cái nền nhà và bảo: "Tại cái nền gạch hư nè, trơn nè,... làm cho bé ngã nè..." - Chúng ta đang dậy bé tính "đổ thừa rằng bé té là do cái nền gạch trơn, chứ không phải do bé chưa đi vững.
2. Bé biếng ăn, thấy bác An đi gần đến, mẹ tỏ nét mặt nghiêm trọng và kề tai bé nói nhỏ: "Con ăn mau đi, không thì bác An đến ăn mất ah!" - Chúng ta đang dậy con mình tính "chiếm hữu"! - Bé không muốn ăn nữa, nhưng nếu không cố ăn, bác An sẽ xơi mất của bé!
3. Bé ốm nhưng không chịu uống thuốc, bố bảo: "Bé uống đi, rồi bố cho bé 10 nghìn mua kem ăn nhé!" - Chúng ta đang dậy con mình tính "có điều kiện"! - Bé phải được quyền lợi gì đấy, thì mới làm việc mà đáng ra bé phải làm.
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.