Tôi là "một con nhà người ta", muốn chia sẻ nỗi cô đơn và lo lắng của mình. Tôi cảm thấy càng cô đơn hơn khi những người xung quanh nghĩ tôi đáng ra nên cảm thấy cực kỳ hạnh phúc về những gì có được.
Chúng ta muốn trở nên giỏi giang thông qua việc kiên trì phấn đấu cho mục tiêu quan trọng và có ích của mình, hay muốn được danh hiệu tài năng thông qua những thành tích, bảng điểm cao mà rất nhiều người muốn có?
>> 'Tôi vào đại học lúc một vợ, hai con'
Theo tôi định nghĩa thì "con nhà người ta" đơn giản là một nhân vật được cha mẹ, người thân, bạn bè hay chính bạn nghĩ là một hình mẫu đáng để ngưỡng mộ ở một khía cạnh nào đó, và muốn bạn phấn đấu để trở nên giống con nhà người ta hơn.
Đặc điểm của con nhà người ta bao gồm:
- Học giỏi / giỏi nhiều môn, (có thể) có tài lẻ (mà còn) xinh trai / xinh gái.
- Có thể có IELTS cao, SAT cao, điểm thi đại học cao, học trường chuyên, lớp chọn, học đại học top.
- Được một số người nghĩ rằng vì có những đặc điểm trên mà cuộc sống tốt đẹp hơn, được nhiều người quan tâm, yêu quý và nhiều khả năng là con nhà người ta sẽ sống một cuộc sống hạnh phúc, dễ chịu và ít vấn đề hơn mình.
Về tôi:
- Tôi luôn nằm trong top 3 của lớp chuyên Toán trường NTH (khóa 2012 – 2015).
- Thủ khoa điểm thi tốt nghiệp của trường năm 2015.
- Thủ khoa A1 NTH năm 2015 (tôi thi các tổ hợp của các ban lần lượt: A 26.75 điểm, A1 27.75 điểm, B 26 điểm , D 26.75 điểm )
- IELTS 8.0 (Listening và Reading: 8.5, Speaking:7.5, Writting:7.0) (Tháng 2/2020)
- Tiếng Đức B1.
- Ba lần đạt Merit scholarship (học bổng tài năng của trường Đại học Việt Đức) cho 3 năm học (miễn 100% học phí)
- Hiện tại tôi đang trong kỳ học trao đổi ở Đức dưới học bổng của cơ quan hàn lâm Đức (DAAD).
- Tính đến thời điểm hết năm học vừa rồi thì GPA của tôi là 9.9 (thang điểm Việt Nam)
Phần chìm của tảng băng: Tôi rất nhiều lúc, không biết mình đang học, đang cố gắng cho điều gì
Thời cấp 3, tôi cố gắng học đều các môn để vào top của lớp, nhưng lý do vì sao như vậy thì mình cũng không thực sự biết rõ. Có thể khi mình đã quen với việc được khen và được xem là giỏi trong mắt bạn bè và phụ huynh, thì mình có áp lực và nghĩa vụ phải tiếp tục giữ vững thành tích như vậy, dù đôi khi, mình nhận ra nó không đem lại nhiều ý nghĩa.
>> Hành trình học trái ngành của tôi
Tôi chọn đại học theo danh tiếng, từng nghĩ sẽ chọn vào trường điểm thật cao, ngành cao điểm nhất trong nước để chứng tỏ mình là một nhân-tài-đất-Việt.
Tôi thực sự, thực sự, thực sự cảm thấy áp lực vì bị-cho là giỏi giang
Không biết có ai như tôi không, nhưng nhiều khi tôi thấy điểm và thành tích mình đạt được quá cao, hơn năng lực mà tôi nghĩ mình có nhiều.
Tôi từng nghĩ thủ khoa cấp 3 là một danh hiệu cực kỳ to lớn, chỉ dành cho những bạn có niềm yêu thích học hành thực sự, có phương pháp học rõ ràng.
Phần lớn động lực học của tôi đều là muốn hơn người khác. Thực sự là vậy. Tôi cảm thấy rất ngại khi nói ra, nhưng tôi cảm thấy việc giỏi hơn người khác làm cho mình cảm thấy đỡ tệ hơn về bản thân. Tôi biết mình không giỏi, mọi người nghĩ vậy, tôi cũng không biết làm sao cho mọi người thấy được góc nhìn của mình về bản thân, nhưng may ra tôi giỏi hơn đứa A, B, C nào đó.
Tôi vẫn còn ngu ngơ nhiều lắm
Tôi biết là mình còn rất rất nhiều điều chưa biết. Tôi đã 23 tuổi rưỡi và bỏ ngang một trường đại học, gap year một năm, thất bại khi xin học bổng du học, nhưng cảm thấy mình vẫn còn rất non nớt.
Còn vô số điều tôi chưa từng biết để làm cho bản thân, và quan trọng nhất là mình chưa thực sự bản thân mình là gì, cần làm gì tiếp theo... và vô số câu hỏi khác.
>> Tốt nghiệp đại học rồi làm gì?
Tôi hiện tại vừa trải qua một giai đoạn khó khăn trong việc ở một mình trong phòng, hay thậm chí là khủng hoảng trong việc học, định hướng tương lai.
Tôi muốn cho người khác thấy những "tử huyệt" của mình
Tôi có một chút mong mỏi, mong các bạn còn đi học, các bạn sinh viên nếu có duyên đọc và cảm thấy có-gì-đó cho bản thân qua bài viết, thì thực sự suy nghĩ lại việc học ở trường nói riêng và việc học ngoài đời nói chung.
Tôi không chắc được điều gì, nhưng dám chắc là con người, ai cũng phải liên tục học hỏi. Ngừng học ở trường, trung tâm thì chúng ta cũng phải học cách sống, học cách để học.
Những bài học tôi tin là quan trọng và đang cố gắng rèn luyện:
- Đừng chỉ học vì muốn đạt được một thành tích nào đó. Để rồi khi có nó thì bạn cảm thấy tốt hơn về mình, và ngừng việc học hỏi.
Cụ thể:
Đừng ngừng đọc và học thuộc lòng sau khi thi đại học. Cá nhân tôi thấy hai việc này cực kỳ quan trọng, đặc biệt là trong thời đại thông tin, khi chúng ta đọc lướt qua mọi thứ và quên. Có những điều thực sự nên đọc kỹ và học thuộc lòng cho đến khi nó đã là một phần trong não của bạn. Đừng nghĩ rằng khi bạn được khen là tài giỏi, thì cuộc sống sẽ dễ dàng hơn.
>> Tôi muốn nghỉ làm thợ cắt tóc, thi lại đại học ở tuổi 27
Đừng quá thần tượng những người học giỏi. Hãy rèn luyện kĩ năng tự học cho bản thân.
Nếu được, hãy thử tìm hiểu xem họ đã làm gì. Tự bản thân họ phấn đấu tìm tòi, hay họ nhờ vả ai đó chỉ dạy. Vì đại học không còn lớp học thêm, nên mình đã cảm thấy thực sự hoảng loạn mỗi khi có kiến thức gì không hiểu. Quá lười biếng để tự đọc và chỉ muốn được ai đó dạy lại cho mình theo cách dễ hiểu.
Đừng vội khen "con nhà người ta" giỏi. Họ cũng là con người, có thể họ giỏi thật, có thể họ giỏi trong việc che đi khuyết điểm của mình mà thôi.
Hãy thực sự học. Một ví dụ cụ thể là nếu IELTS là yếu tố cần thiết cho mục tiêu của bạn, hãy thực sự học tiếng Anh, đừng chỉ nhắm vào việc học để đạt được IELTS cao, mà quên mất rằng bạn cần tiếng Anh, chỉ không phải một bảng điểm đẹp được tô điểm nên từ những lúc luyện thi, đoán đề, học thuộc bài viết.
Có thể chúng ta không cần quá xuất sắc về mặt điểm số để làm một việc gì đó. Không phải cứ top lớp, thủ khoa, IELTS cao là sẽ đảm bảo một cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa.
Đôi khi vì quá chạy theo những thành tích đó, mà nhiều người, trong đó có cả tôi, còn không tự đặt ra một định nghĩa cho cá nhân rằng "Tôi cảm thấy cuộc sống hạnh phúc khi làm những điều gì?".
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.