Con gái chị Thanh Hương ở Hà Nội sắp lên lớp 4 nhưng đã học IELTS được hơn một năm, mục tiêu lớp 5 đạt 5.0-6.0 và lớp 8 được 7.0 để vào đại học trong, ngoài nước.
Theo chị Hương, con chị học kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết theo format của bài thi IELTS, với nhiều chủ đề như văn hóa, môi trường, giao thông... Thầy giáo của con chú trọng phát âm, dạy viết luận có nhiều từ hay.
"Thầy nhận xét tiếng Anh của con rất ổn", phụ huynh này nói, cho biết lớp có 10 học sinh, từ lớp 3 tới lớp 7.
Hồi tháng 6, trường THCS công lập Đặng Thai Mai, Nghệ An, gây xôn xao khi tuyển thẳng 5/35 học sinh có chứng IELTS từ 5.0 vào lớp 6, số còn lại trúng tuyển bằng các chứng chỉ khác nhưng cũng được quy đổi ra IELTS. Trường đã tuyển sinh theo cách này từ năm 2021.
IELTS là bài kiểm tra Anh ngữ quốc tế, dùng chủ yếu để ứng tuyển đại học, định cư, xin việc. Theo IDP - một trong hai nơi tổ chức thi IELTS ở Việt Nam, không có quy định nào về độ tuổi nhưng thí sinh được khuyên đăng ký khi đã trên 16 tuổi. Chuẩn đầu ra của một sinh viên tốt nghiệp đại học ngành Ngôn ngữ Anh hiện phổ biến ở mức 6.5-7.0.
Luyện thi IELTS từ tiểu học theo nhiều giáo viên dạy tiếng Anh là quá sớm vì chưa phù hợp lứa tuổi, lãng phí thời gian để trẻ phát triển nhiều kỹ năng cần thiết khác.
Một giảng viên tiếng Anh ở Đại học Quốc gia Hà Nội kể từng từ chối một phụ huynh khi người này hỏi cho con lớp 5 luyện thi IELTS.
"Chị ấy rất thành đạt nhờ thạo tiếng Anh nên cho rằng con mình cần học IELTS càng sớm càng tốt", nữ giảng viên nói. Theo chị, nguyên nhân là ở Việt Nam, việc dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ, phục vụ những nhu cầu nhất định. Khi thấy "nhà nhà, người người" nhắc tới IELTS, được xét vào đại học, được miễn thi tốt nghiệp, phụ huynh sẽ coi đây như mọi môn học khác.
"Tức là, muốn điểm cao thì phải đua sớm, thậm chí cực sớm", chị nhận định. Nhiều gia đình bỏ 70-100 triệu đồng để mua gói học tiếng Anh cho con từ tiểu học với cam kết đầu ra IELTS. Trong khi đó, chứng chỉ này chỉ có giá trị trong hai năm, mỗi lần thi hết gần 5 triệu.
Tú Phạm, nhà sáng lập Prep, nền tảng học và luyện thi tiếng Anh, nói phụ huynh có tâm lý chuẩn bị sớm nhưng việc này phải đúng lúc và hợp lứa tuổi. Bài thi IELTS gồm nhiều kiến thức xã hội, đòi hỏi tư duy lập luận.
Ví dụ bài thi Viết của IELTS gồm hai phần, Task 1 và Task 2. Task 1 gồm các dạng bài phân tích biểu đồ, số liệu về kinh tế hay doanh thu bán hàng. Trong khi đó, Task 2 có chủ đề rộng, từ tội phạm học, thí nghiệm trên động vật đến tư duy tổng quan xã hội, chính sách của chính phủ. Trong bài thi Nghe, thí sinh sẽ trải qua bốn phần với những cuộc hội thoại về đặt lịch khách sạn, xin việc làm... hay các chủ đề học thuật.
"Những nội dung này xa lạ với lứa tuổi tiểu học", ông Tú nói.
Đồng tình, cô Ngô Diễm Hằng, giảng viên tiếng Anh, Học viện Ngoại giao, cho rằng học và thi IELTS ở tiểu học là quá sức, gây ra áp lực căng thẳng không cần thiết.
"Bạn nào có năng khiếu thì có thể học được nhưng mặt bằng chung là không phù hợp". Theo cô Hằng, ở độ tuổi này, kiến thức tiếng Việt của các em còn chưa vững. Hơn nữa, vốn từ vựng và ngữ pháp của các em chưa nhiều để có thể hoàn thành tốt bài thi.
"Bài IELTS nếu hỏi về thay đổi của gia đình Việt trong 10 năm qua, nông thôn đang chịu tác động gì, ưu và nhược của thủy điện..., đến nói tiếng Việt còn khó", một giảng viên khác nhận định.
TS Ngô Tuyết Mai, giảng viên Sư phạm tiếng Anh, Đại học Flinders, Australia, cho rằng luyện IELTS từ lớp 3 không hề tốt. Thay vào đó, các em cần được phát triển năng lực giao tiếp và nuôi dưỡng niềm say mê, động lực học tiếng Anh.
Một giảng viên ngôn ngữ học ứng dụng người Việt ở đại học Mỹ nhìn nhận học tiếng Anh đúng phương pháp sẽ giúp trẻ phát triển tư duy. Nhưng nếu chạy theo chiến lược luyện thi, các em sẽ ít thời gian để phát triển kỹ năng tiếng Việt, kết nối, xây dựng tình bạn và các môn năng khiếu như âm nhạc, thể thao, vẽ... đều rất cần thiết trong cuộc sống.
"Nên học tiếng Anh giao tiếp thông thường, học qua trò chơi, nghệ thuật, có thể học khoa học, xã hội học lồng ghép nhưng phải sinh động, dễ hiểu, chứ IELTS thì khô cứng", chị nói.
Luyện Quang Kiên, người Việt Nam đầu tiên đạt 9.0 cả 4 kỹ năng IELTS, cũng không khuyến khích luyện IELTS từ sớm.
"Thời điểm phù hợp là từ lớp 8 trở lên vì lúc đó các em đã tích lũy được nhiều kiến thức và có ý kiến riêng", anh Kiên cho biết. Anh từng nhận một học sinh cuối lớp 3 nhưng thay vì luyện IELTS, em này được học từ mới, tăng vốn hiểu biết thông qua các bài đọc, xem chương trình trên YouTube rồi kể lại.
Các giảng viên khác thì cho rằng học sinh cấp 3 trở lên mới nên luyện thi IELTS. Nếu sớm hơn, giảng viên cần có năng lực tốt và hiểu tâm lý, sự phát triển của trẻ để thiết kế lại tài liệu IELTS một cách bài bản.
Chị Hương nói khó khăn lớn nhất của con gái là ở kỹ năng Viết. Với những chủ đề lạ, con chị hầu như không viết được. Cô bé thường xem phim, nghe nhạc và các chương trình bằng tiếng Anh nên khả năng nghe và đọc tốt hơn. Tuy nhiên, chị cho rằng lớp học IELTS của con chị không quá cứng nhắc, thỉnh thoảng thầy cho chơi trò chơi để thay đổi không khí. Con chị vui vẻ, thích thú.
"Học từ giờ để tới cấp 3 mới thi lấy điểm chính thức nên tôi và con không áp lực", chị Hương nói.
Bình Minh