Nói về câu chuyện dạy và học tiếng Anh hiện nay ở bậc phổ thông, theo tôi, chương trình sách giáo khoa hiện nay được soạn thảo chưa giúp trẻ phát triển theo đúng quy luật tự nhiên. Đó là lý do mà đề án ngoại ngữ năm 2020 kéo dài đến 2025 vẫn chưa cho kết quả như mong muốn. Tôi nghĩ, chương trình cần biên soạn phát triển kỹ năng nghe và nói là chính, thay vì tập trung quá nhiều vào ngữ pháp như hiện nay.
Học ngữ pháp quá nhiều đã và đang làm học sinh mệt mỏi với môn học Tiếng Anh. Nên nhớ, trường học phổ thông không thể đào tạo cho 100% học sinh sau này lớn lên có khả năng sáng tác văn thơ bằng ngoại ngữ. Thế nên, chúng ta cần soạn thảo chương trình phù hợp với việc phát triển các kỹ năng nghe, nói tuân theo quy luật tự nhiên, tức là xây dựng cho các em khả năng giao tiếp cơ bản, còn ngữ pháp chỉ nên học nhẹ nhàng thôi. Học sinh nào thích nghiên cứu về văn hóa của nước ngoài thì sẽ được học ngữ pháp chuyên sâu tại trường đại học tùy chuyên ngành.
Nhìn vào thực tế hiện nay, bao nhiêu học sinh tốt nghiệp phổ thông ra trường có thể giao tiếp được bằng tiếng Anh với người nước ngoài? Có thể thấy, những em giao tiếp được bằng tiếng Anh chủ yếu là nhờ được đi học ở trung tâm ngoại ngữ từ sớm - điều mà không phải gia đình nào cũng có điều kiện làm được cho con. Đó là một bất cập trong giáo dục ở phổ thông.
>> Trả giá bằng 1.000 giờ học tiếng Anh vì nước đến chân mới nhảy
Theo tôi, ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh rất cần cho thế hệ trẻ. Nó sẽ là công cụ giúp các em khi học xong, ra trường, sẽ có nhiều cơ hội xin được việc làm, nhất là các công việc có mức thu nhập cao. Nó còn là là nền tảng để các em tiếp cận được với những kiến thức hiện đại của nước ngoài (thông qua việc đọc sách khoa học bằng tiếng Anh, hiểu trực tiếp sẽ chính xác hơn).
Theo tôi, đọc hiểu và giao tiếp được bằng ngoại ngữ đều có lợi rất nhiều cho người học. Đó là một trong các hình thức đầu tư cho bản thân vô cùng giá trị. Tầm quan trọng của ngoại ngữ trong thời đại ngày nay có lẽ các nhà làm giáo dục đều thấy được, nhưng chúng ta lại thực hiện chưa hiệu quả. Mong rằng, các thế hệ học sinh sau này sẽ được tiếp cận các chương trình giảng dạy ngoại ngữ tại trường phổ thông theo đúng chuẩn quốc tế, phát triển được các kỹ năng nghe và nói tuân theo quy luật tự nhiên.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.