Tôi không hiểu được tại sao nhiều người ủng hộ thầy giáo tát vào mặt học sinh hút thuốc lá điện tử trong vụ việc xảy ra ở trường THPT Đào Sơn Tây, TP Thủ Đức. Cái tát đó nhân danh giáo dục hay sự thương yêu? Có lý do nào để xứng đáng để người giáo viên phải tát vào mặt học sinh không? Chừng nào các bạn còn lầm tưởng giáo dục phải đi kèm với bạo lực thì khi đó giáo dục còn chưa có cơ hội tiến bộ được. Cha mẹ còn không nỡ tát vào mặt con mình thì giáo càng không đủ tư cách để làm việc đó.
Việc học sinh hút thuốc, vi phạm nội quy rõ ràng là sai, cần phải được chấn chỉnh. Nhưng sai đâu đã có nội quy rõ ràng, cứ theo đó mà xử lý. Giáo dục là vạch ra cái sai để các em học sinh hiểu được hậu quả mà hành động của mình ảnh hưởng tới bản thân và cộng đồng. Và biện pháp cuối cùng là buộc thôi học nếu sai phạm đó là việc không thể thay đổi, sửa chữa được nữa. Chẳng có nền giáo dục nào cho phép giáo viên tát học sinh trong bất cứ trường hợp nào cả.
Tôi cũng từng ăn tát từ thầy cô đến bố của mình. Và nói thật, tôi chẳng thấy nó dạy tôi nên người được gì cả. Cái đấy là lạm dụng quyền và xâm phạm thân thể của trẻ chưa đủ vị thành niên, là khẳng định uy quyền của người lớn mà thôi. Chuyện một học sinh hút thuốc chẳng phải là lý do đủ để người thầy phải tát em đó.
>> Giáo viên tát học sinh hư là giáo dục lệch lạc
Tôi cũng hút thuốc năm lớp 11 và chỉ bỏ khi có con ở tuổi 35 nên tôi hiểu tâm lý của học sinh ở tuổi này. Nếu gặp một em học sinh như vậy, tôi chỉ nói cho em hiểu rằng hút thuốc chỉ mang lại bệnh tật và mùi khó chịu. Là người hút thuốc, tôi biết được rằng bỏ rất khó, chỉ có nội lực của bản thân mỗi người mới bỏ được. Không lẽ, thầy giáo không hiểu được điều đó hay sao mà tát học sinh?
Hút thuốc lá nhưng không có nghĩa là học sinh đó hư hỏng đến mức bị đánh.
Tôi còn nhớ, năm học cấp hai, cô giáo dạy môn Hóa của tôi cứ hễ thấy học sinh quên vở, làm bài sai... là vung tay tát bôm bốp vào mặt học trò. Rồi cô chủ nhiệm có thể bắt cả lớp quỳ dưới sân trường vi phạm kỷ luật. Đến bây giờ, khi đã 40 tuổi, tôi vẫn thấy ám ảnh với những ký ức đó. Nó giống như một sự sỉ nhục chứ chẳng phải dạy dỗ ai nên người.
Những người giáo viên đó liệu có bao giờ thử đứng trong vai trò những em học sinh phải đón nhận những hình phạt đó và thử đặt câu hỏi xem chúng có học hỏi được gì hay không từ những cái tát đó? Tôi có cô con gái 5 tuổi, khi con làm sa việc gì đó, con từng nhận lỗi và nói: "Bố đánh đòn con đi". Nhưng tôi chỉ nói với con rằng: "Nếu con biết sai thì bố đâu cần phải đánh đòn nữa". Đòn roi chỉ là sự lạm dụng bạo lực của những giáo viên thiếu kỹ năng sư phạm.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.