Từ lúc công bố điểm thi THPT, dạo một vòng trên mạng, tôi thấy có luồng tranh luận (hay chê bai) khiến tôi để ý và thấy khá thú vị, đó là xem nhẹ các bạn học sinh học khối C.
"Khối C ba môn 27 điểm thì có gì đâu, chịu khó học bài chút xíu là được, không như học sinh khối A, khối A1, cần tư duy lẫn ghi nhớ". Đây là một bình luận điển hình khi về những bạn học sinh khối C giành điểm cao.
Tôi thấy khá nực cười và có đôi chút chạnh lòng. Ngày xưa tôi cũng học và thi đậu đại học bằng khối C. Tôi cứ tưởng lối nghĩ "nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa" nên người ta xem trọng các khối tự nhiên A, B đã là tàn dư. Nhưng không ngờ hôm nay vẫn còn trong đầu không ít một số người.
Nhớ lại hơn mười mấy năm trước, tôi đạt 26 điểm khối C và đỗ đại học vào ngành mình yêu thích. Chưa kịp vui mừng vì nỗ nực, thành quả của mình đến kỳ gặt hái thì bác chủ tiệm tạp hoá hàng xóm tạt nước vào mặt tôi. Bác sang nhà tôi, khoe điểm khối A của con trai bác là 22 điểm và nói với gia đình tôi: "Tưởng gì 25 điểm khối C, học chi mấy ngành đó rồi thất nghiệp dài dài".
Vâng, quả thực những suy nghĩ "khối C chăm học bài là điểm cao", "khối C chịu khó xem bài vở là thi được", "học ngành khối C dễ thất nghiệp, không kiếm nhiều tiền bằng kỹ sư, bác sĩ...".
Chung quy lại cái nhìn không hay của nhiều người về khối C vẫn là khả năng kiếm tiền. Cũng khó trách được, bao năm qua xã hội phát triển là nhờ khoa học, kỹ thuật nên các ngành khối A, B được trọng vọng và ưu ái. Rồi bây giờ là thời của ngành IT lên ngôi. Nghe đâu ngồi nhà gõ code cũng kiếm được vài nghìn USD, nhưng chịu khó thức đêm và ngồi riết nên dễ bị đau lưng. Hoặc mùa dịch này ai khổ thì khổ, nhưng dân IT vẫn kiếm được tiền tại nhà.
Nhưng tôi và rất nhiều đồng nghiệp của tôi là dân khối C, vẫn làm online và kiếm tiền đều đặn bằng ngành học của mình. Lương chính ở công ty của tôi xấp xỉ 25 triệu, nhưng tiền kiếm được nhiều hơn nhờ các dự án tư vấn bên ngoài. Mỗi tháng nếu quy ra USD thì tính tạm ở mức nghìn. Nói như vậy để thấy, ngành nào cũng có thể kiếm được nhiều tiền, miễn là biết nỗ lực và nắm bắt chứ đó đâu phải là đặc quyền của riêng một ngành nào?
Tôi không cân đo đong đếm về sức lực học hành bỏ ra giữa học sinh khối tự nhiên và xã hội, cũng không so sánh chỉ số IQ của học sinh hai khối ngành này. Tuy nhiên đi làm nhiều năm khiến tôi có một đúc kết là dân khối C có chỉ số EQ (cảm xúc) cao hơn so với số chung còn lại. Đây chính là lợi thế không nhỏ mà dân học ngành xã hội có được. Các bạn, các em học sinh khối C cần tự tin, phá vỡ định kiến lâu nay mà nhiều người nghĩ lệch về ngành học của mình.
Hoàng Mai
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.