Trong những năm trở lại đây, nhất là khi dịch Covid-19 xuất hiện, sau khi sàng lọc CV và phỏng vấn các ứng viên ứng tuyển công ty, tôi thấy có một số trường hợp đi xin việc ở độ tuổi 30-35.
Nếu mọi thứ bình thường, tôi chẳng để ý làm gì. Nhưng lạ thay, những trường hợp này đều xin việc không liên quan gì tới công việc cũ. Khi hỏi vì sao nghỉ việc ở công ty trước thì lúng túng. Khi hỏi bạn có chắc đảm nhận công việc mới một cách tốt nhất thì trả lời "sẽ cố gắng học hỏi". Vì thế, khi hỏi bạn mong muốn nhận lương bao nhiêu thì cũng không có dũng khí thoả thuận do mất tự tin về bản thân.
>> Cú sốc thất nghiệp tuổi 40 của dân văn phòng
Nhiều năm làm công tác nhân sự cho tôi một đúc kết khá thú vị: Một người nếu từ khi tốt nghiệp đại học đến trước năm 30 tuổi mà không có một nổi bật nào về sự nghiệp thì nửa phần sau cuộc đời họ vẫn vậy. Rất khó có một đột phá nào.
Và chính họ lại là những người có nguy cơ rơi vào cảnh thất nghiệp tuổi trung niên, chấp nhận xin việc không đúng chuyên môn, bất kể vị trí, mức lương, miễn là có việc làm như vừa nhắc đến ở trên.
Vậy điều gì đã khiến những trường hợp này khổ sở đến như vậy ở độ tuổi đáng lẽ ra phải được các công ty "săn đầu người" mời đón? Chính là do họ đã chìm đắm vào những "giấc ngủ quên" lúc tuổi đôi mươi. Giấc ngủ quên đó đến từ nhiều phía, có thể là do thoả mãn với những năm tháng học hành vất vả, kiếm việc nên muốn sống hưởng thụ đôi chút.
Có thể họ cùng đi một con đường giống nhau đó là: ra trường, tìm việc, ổn định một chút là kết hôn, sinh con rồi sau đó bị cuốn vào vòng xoáy gia đình, không còn để nhiều tâm sức đến công việc. Hoặc cũng có thể là lúc nào cũng sống trong mơ mơ màng màng, sếp giao công việc thì uể oải làm cho xong, cuối tháng lãnh lương. Hoặc quá tự tin vào của bản thân, nhưng họ không ngờ là sau khi so với các đối thủ khác, kinh nghiệm bao nhiêu năm làm việc của họ không là cái đinh gì cả.
>> Tự ái và cái tôi - Hai trở ngại của lao động tuổi trung niên
Nếu cứ tiếp tục sống trong những giấc mơ bềnh bồng tuổi đôi mươi thì sớm muộn cũng sẽ trả giá. Mà cái giá chua chát nhất là thất nghiệp ở độ tuổi lưng chừng của cuộc đời.
Xin đừng ai dẫn chứng những tấm gương kiên trì khởi nghiệp cho đến tuổi già, rồi lấy ví dụ như ông chủ hãng gà rán KFC khởi nghiệp thành công ở tuổi 65. Đa phần những tấm gương nghị lực này được viết trong những quyển sách self-help để cho vui, tăng thêm kịch tính mà thôi.
Thử hỏi trên đời này, có bao nhiêu người bền bỉ được như ông chủ KFC? Đó chỉ là một trường hợp đột biến về ý chí, nỗ lực của con người mà thôi. Bạn có sẵn sàng sống mấy chục năm cực khổ để rồi đến cuối đời mới thành công không?
Anh Mai
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.