Những chiến thắng liên tiếp trong cả hai lượt trận Bán kết trước Singapore và cả hai lượt trận Chung kết trước Thái Lan cho thấy HLV Kim Sang-sik đang làm rất tốt với những gì mình có trong tay. Có một sự thật là người hâm mộ Việt Nam trừ trước đến nay vẫn luôn bị ám ảnh bởi việc đội tuyển phải chơi tấn công áp đảo, phải thắng đẹp, không cho đối phương cầm bóng mới là hay. Và rồi, chúng ta quên mất một trong những điều quan trọng nhất trong bóng đá chuyên nghiệp, đó là kết quả cuối cùng, là chiến thắng và chức vô địch.
Bóng đá Việt Nam gần đây đã có hai lần bước lên đỉnh khu vực dưới hai thời HLV khác nhau: ông Park Hang-seo và giờ là HLV Kim Sang-sik. Và nếu theo dõi kỹ lối chơi của đội tuyển Việt Nam ở hai thời kỳ này, có thể thấy một điểm chung, đó là cả hai huấn luyện viên đều chủ trương cho các học trò chơi phòng thủ chắc chắn và lấy đó là điểm tựa để tung ra những đòn đáp trả vào đúng thời điểm quyết định, qua đó giành chiến thắng.
Nhìn cách Việt Nam chơi bóng bình tĩnh, bản lĩnh, khôn ngoan để toàn thắng cả bốn trận vòng knock-out, có thể thấy rõ ý đồ của HLV Kim là chơi phòng ngự phản công giống như thời ông Park. Tuy nhiên, chúng ta không bắt chước dập khuôn mà có những thay đổi cho phù hợp với thực tế phong cách chơi bóng hiện đại. Đây là lựa chọn thông minh để tận dụng sự quen thuộc trong tư duy chiến thuật đã định hình khá rõ ràng ở lứa cầu thủ trước đây.
Thay vì cố đập hoàn toàn đi để xây lại như người tiền nhiệm Philippe Troussier, HLV Kim Sang-sik chọn cách kế thừa và phát huy sức mạnh vốn có của đội tuyển. Ông sử dụng những cầu thủ tên tuổi, giàu kinh nghiệm của thế hệ vàng bóng đá Việt Nam, coi họ là đầu tàu để dẫn dắt cách chơi này cho các cầu thủ trẻ. Và điều đó đã thực sự phát huy tác dụng khi Việt Nam ở giải đấu lần này càng đá càng lì lợm, bản lĩnh, đánh bại mọi đối thủ trên đường đến ngôi vô địch.
>> Việt Nam không Xuân Son vẫn hơn Thái Lan
Nếu trước đây HLV Park ưa thích sử dụng lối đá rình rập ở phần sân nhà, thường xuyên kéo đội hình về phần nửa sân và một phần ba sân nhà, thì giờ ông Kim Sang-sik lại đẩy đội bóng lên gây áp lực ngay ở một phần ba sân đối phương, ngay sát khu vực cầu môn.
Đội tuyển Việt Nam thường xuyên sử dụng ba tiền đạo cùng một hậu vệ cánh để áp sát, chơi pressing tầm cao. Nếu bóng thoát thì những cầu thủ này lập tức lùi về cho tới khi bóng qua vạch giữa sân, đồng thời hàng hậu vệ lúc đó sẽ là chỉ huy nhịp chơi trong pha phòng ngự của cả đội. Tất cả tạo nên mối khối kết nối vững chắc, giúp đội bóng luôn trong tư thế sẵn sàng phòng ngự từ xa, đánh chặn nhanh các pha lên bóng của đối thủ.
Ngoài ra, hàng hậu vệ cũng liên tục lùi về với tốc độ sao cho phù hợp với tốc độ lên xuống của tuyến trên, sẵn sàng bẫy việt vị khi cần. Tiền vệ trụ tạo tam giác phòng ngự khu vực với hậu vệ, cho tới khi tiền vệ kịp về tới, tạo thành tứ giác phòng ngự khu vực.
Lúc này, các cầu thủ vẫn chưa lập tức vây bắt đối phương. Tiền đạo của Việt Nam (thường là Xuân Son) không lùi sâu mà gây sức ép để ghìm trung vệ của đối phương ở lại sân nhà. Chờ tới khi hai hậu vệ cánh của đội bạn phải lên tham gia vào pha bóng thì chính là lúc Doãn Ngọc Tân sẽ áp sát các vị trí nhận bóng sát vòng cấm để bóng buộc bị trả về. Còn tiền vệ cùng tiền đạo cánh của ta lập tức lao vào tranh cướp ngay.
Bóng khi cướp được trong lúc này sẽ được phát động tổ chức phản công nhanh. Hai tiền đạo cánh cũng nhanh chóng ép lên, theo sau là hậu vệ cánh di chuyển lên vạch giữa sân để dâng cả khối đội hình, tạo thế phản công với ít nhất là bốn đánh năm với tốc độ cao. Bằng cách chơi này, chúng ta vừa khắc phục được điểm yếu về thể hình, lại vừa bào sức của đối thủ ở ngay trong hiệp một.
Lối chơi này cũng khiến đối phương gặp vấn đề ở khâu tổ chức khi cố gắng triển khai bóng từ sân nhà nhưng luôn bị vây bắt. Họ cầm bóng nhiều trong chân nhưng luôn trong trạng thái phải lo sợ chống phản công liên tục từ phía ta. Đó là lúc nhưng sai lầm liên tục xuất hiện để cầu thủ Việt Nam khai thác triệt để.
Đó là chiến thuật tài tình mà HLV Kim Sang-sik đã áp dụng cho các học trò tại giải đấu lần này và thành công bằng những chiến thắng liên tiếp trước các đối thủ mạnh và giành cúp vàng một cách thuyết phục. Tóm lại, Việt Nam vô địch bằng chính lối chơi phòng ngự phản công vốn được xem là thương hiệu từ thời HLV Park. Cái hay là chúng ta đã nâng tầm lối đá này để trở thành thứ vũ khí nguy hiểm hơn gấp bội phần, khiến mọi đối thủ đều phải bó tay chịu trận.
- 'Ngôi sao cô đơn' Xuân Son
- Sốt sắng nhập tịch cầu thủ
- 'Hòa Phillipines để đội tuyển Việt Nam tỉnh táo hơn'
- 'Việt Nam thắng Indonesia xứng đáng, bằng thực lực'
- Lối đá 'chuqua-chula-chuda' xói mòn tuyển bóng đá Việt Nam
- '20 năm qua Việt Nam không có cầu thủ nào đẳng cấp'