Mất tiền đạo chủ lực Nguyễn Xuân Son vì chấn thương nghiêm trọng ở ngay phút 32; rồi nhận bàn thua tức tưởi khi Thái Lan không trả bóng cho Việt Nam dù trước đó, đội khách chủ động phá ra ngoài; cộng thêm áp lực khủng khiếp từ các khán đài SVĐ Rajamangala... với ngần ấy sức ép, có lẽ ít ai người Việt Nam có thể đánh bại các nhà Đương kim vô địch ASEAN Cup ngay trên sân đối phương. Nhưng điều khó tin ấy đã xảy ra trong một ngày thầy trò HLV Kim Sang-sik chứng minh cho tất cả thấy cái gọi là sự thông minh và bản lĩnh lì lợm mình.
Theo lẽ thông thường từ trước tới nay, với lợi thế một bài dẫn trước sau trận lượt đi, cộng thêm bàn mở tỷ số từ rất sớm của Tuấn Hải ở phút thứ 8, Việt Nam hoàn toàn có thể chơi với chiến thuật "dựng xe buýt" trước khung thành của thủ môn Đình Triệu để bảo toàn thành quả có được. Và có lẽ, chính người Thái cũng có cùng suy nghĩ như vậy, nên họ không ngần ngại dồn đội hình lên để ép sân tìm kiếm bàn gỡ.
Quả đúng là Thái Lan chưa bao giờ là một đội bóng dễ bị đánh bại, nhất là khi được thi đấu trên sân nhà. Điều đó được cụ thể hóa bằng bàn gỡ của Davis ở phút 28 và màn tiểu xảo rất thiếu fair-play của Sarachat đưa cục diện hai lượt trận về vạch xuất phát ở phút 64. Khi đó, đội chủ nhà với khí thế hừng hực ngút trời, còn Việt Nam ở vào thế bất lợi, bị áp lực tâm lý, hoàn toàn có nguy cơ bị lội ngược dòng. Chắc hẳn hầu hết người hâm mộ Thái Lan sẽ càng tin vào việc đội bóng của HLV Kim Sang-sik sẽ đổ bê tông để bằng mọi giá thủ hòa và đưa trận đấu vào loạt đá luân lưu.
Nhưng, đó là Việt Nam nào đó trong quá khứ (khi luôn cóng chân mỗi khi gặp Thái Lan), chứ không phải 11 cầu thủ áo đỏ trên sân lúc này. Chúng ta không chơi co cụm, không tử thủ, mà dùng chính sức ép, sự ức chế mà đối thủ gây cho mình để chuyển hóa thành những đợt vùng lên và phản kháng đầy mạnh mẽ. Và khi những đôi chân Thái Lan còn đang bay bổng, rời khỏi mặt đất, Việt Nam trừng phạt đối thủ bằng sự khôn ngoan với chiếc thẻ đỏ dành cho Pomphan.
>> 'Việt Nam vô địch nếu không chơi tử thủ'
Thừa thắng xông lên, Việt Nam liên tục ăn miếng trả miếng, gây sức ép và khiến cả VSĐ chết lặng khi buộc cầu thủ của Thái Lan đá phản lưới nhà ở thời điểm chỉ còn chưa đầy 10 phút nữa là kết thúc 90 phút thi đấu chính thức. Hòa 2-2 trong trận lượt về là tỷ số đủ để Việt Nam lên ngôi vô địch giải đấu, sẽ chẳng có gì bất ngờ nếu các học trò của HLV Kim Sang-sik chơi với 11 cầu thủ trong vòng cấm, vây lấy khung thành của thủ môn Đình Triệu trong những phút ít ỏi còn lại. Nhưng không, đó là lúc chúng ta kết liễu đối thủ theo cái cách không ai ngờ tới nhất.
Trong những thời khắc nghẹt thở nhất, các cầu thủ Việt Nam không chỉ biết lăn xả để bảo vệ khung thành. Trong pha bóng phản công dẫn đến bàn thắng ấn định tỷ số, chúng ta có thể thấy ít nhất ba cầu thủ áo đỏ sẵn sàng cho đòn đánh quyết định. Điều đó cho thấy một tư duy chơi bóng rất khác của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Kim. Rõ ràng, các cầu thủ không chỉ muốn thắng nhờ may mắn mà phải thắng đẹp, khiến đối thủ thua tâm phục khẩu phục.
Có thể nói, xét về mặt con người, Thái Lan có đội hình đồng đều và nổi bật hơn Việt Nam. Chính người Thái cũng từng mỉa mai chúng ta sau trận Chung kết lượt đi rằng "Việt Nam không thể ghi bàn nếu không có Xuân Son". Nhưng, hơn 115 phút của trận lượt về chính là câu trả lời đanh thép nhất của thầy trò HLV Kim Sang-sik. Trong một ngày mất Xuân Son, Việt Nam vẫn sút tung lưới Thái Lan tới ba lần ngay trên thánh địa của họ - những bàn thắng đẹp, đúng luật và không gây tranh cãi.
Không phải tiền đạo nhập tịch, chính sự đoàn kết, tinh thần chiến đấu, ý chí quyết thắng, cùng sự thông minh và bản lĩnh lì lợm mới chính là thứ vũ khi lợi hại nhất giúp Việt Nam truất ngôi vô địch của Thái Lan. Vậy mới nói, Việt Nam hơn Thái Lan hẳn một cái đầu.
- 'Ngôi sao cô đơn' Xuân Son
- Sốt sắng nhập tịch cầu thủ
- 'Hòa Phillipines để đội tuyển Việt Nam tỉnh táo hơn'
- 'Việt Nam thắng Indonesia xứng đáng, bằng thực lực'
- Lối đá 'chuqua-chula-chuda' xói mòn tuyển bóng đá Việt Nam
- '20 năm qua Việt Nam không có cầu thủ nào đẳng cấp'