Người ta thường nói "an cư mới lạc nghiệp", nhưng muốn an cư thì phải có ngôi nhà để ở, vì thế ai cũng mong muốn có một ngôi nhà như ý để gọi là chốn đi về. Tôi cũng vậy, hành trình có được ngôi nhà của tôi rất nhiều gian nan nhưng cũng không ít ngọt ngào.
Nhớ lại ngày mới cưới nhau, hai chúng tôi bắt đầu cuộc sống mới bằng món quà cưới của hai bên gia đình là mấy chỉ vàng. Căn nhà ba gian cũ kỹ của bà nội là nơi chung sống đầu đời cuộc sống hôn nhân. Nhà ở quê, mái lợp fibro, mùa hè nóng bức, mùa mưa dột nát. Bếp núc cũng chỉ tạm bợ với một cái kiềng ba chân phía dưới có mô-tơ để thổi lửa. Phía trên bếp, có một cái giàn bằng tre để chất củi. Đơn giản, mộc mạc, nhìn thấy gian bếp là thấy luôn cả nỗi vất vả của gia đình vợ chồng tôi thuở xưa.
Khổ nhất là mùa bão lụt, ở quê tôi hầu như năm nào cũng vài cơn bão kèm theo lụt lội. Chỉ trong một ngày mà nước đã ngập trắng cả ruộng đồng nhìn đâu cũng chỉ thấy mênh mông một biển nước. Nhìn hết tầm mắt, tôi chỉ thấy loáng thoáng trồi lên một vài nóc nhà, vài ngọn tre phờ phạc.
Mùa hè, tôi bắc cái ghế đẩu gần giếng nước phía trên là giàn bầu treo lủng lẳng, vừa tận hưởng ngọn gió nồm mát rượi vừa kể chuyện. Tôi kể lại những tháng ngày cực khổ đã trải qua hay nhớ lại kỷ niệm thời yêu nhau của cả hai vợ chồng. Tôi kể ước muốn về một ngôi nhà khang trang, đẹp, có gác để chống bão lụt, có đủ các phòng cho các con sinh hoạt. Nhưng cuộc sống ở quê thu nhập thấp, phải lao động cật lực, tiết kiệm mới đủ sức nói chuyện xây nhà.
Thấu hiểu ước muốn của cả hai vợ chồng, tôi lên kế hoạch xây nhà. Đầu tiên lập, chúng tôi cân đối thu chi, xác lập mức tiết kiệm hàng tháng, xem lại các khoản nào cần tiết chế, các khoản nào cần loại bỏ và các khoản nào cần đầu tư. Tất cả các khoản này đều lập trên bảng tính excel, lập theo năm. Các đầu mục sẽ lập gồm: Dịch vụ sinh hoạt, ăn uống, đi lại, hiếu hỉ, hưởng thụ, nhà cửa, phát triển bản thân, sức khỏe, trang phục, trả nợ... Vì tận dụng ngôi nhà cũ ba gian bà nội để lại, vợ chồng tôi xác định việc kiếm tiền và tiết kiệm tiền khoảng 10 năm để xây nhà kết hợp với đòn bẩy tài chính của ngân hàng.
Thứ hai, chúng tôi áp dụng nguyên tắc 50/30/20, trong đó, 50% là chi phí thiết yếu. Đây là khoản vợ chồng tôi phải chi tiêu cho các hạng mục như xăng xe, ăn uống, con cái học hành, điện nước, ga, Wi-Fi, hiếu hỉ... 30% là chi tiêu cá nhân, khoản tiết kiệm này, vợ chồng tôi dùng vào một số việc như vui chơi, mua sắm, giải trí cá nhân hoặc mua các món đồ mình ưa thích cần thiết phục vụ cho nhu cầu bản thân như điện thoại thông minh.... 20% được dành cho mục tiêu tài chính cá nhân. Khoản tiết kiệm này phục vụ cho ba việc chính gồm trả nợ, tiết kiệm, đầu tư.
Sau khi cân đối các khoản chi phí như tiền ăn, hiếu hỉ, con cái học hành... vợ chồng tôi tiết kiệm mỗi tháng 5 triệu đồng gửi tiết kiệm vào ngân hàng liên tục trong vòng 10 năm, với dự định khi nào số tiền đáp ứng tương đối đủ thì xây nhà một thể.
Trải qua 15 năm lao động cật lực, cùng với tiêu chí tiết kiệm "kiến tha lâu đầy tổ", vay mượn ngân hàng, người thân, vợ chồng chúng tôi cất được ngôi nhà khang trang rộng rãi như ý muốn. Các con tôi đã có chỗ ăn chỗ học đàng hoàng, vợ chồng tôi yên tâm công tác.
Nhà ở nông thôn thiết kế nhà cấp bốn, có gác lửng để chống lụt, một phòng khách, hai phòng ngủ, khu vực bếp ăn, nhà vệ sinh, sân vườn chưa kể. Tổng diện tích ngôi nhà 140 m2, vừa có không gian thoáng đãng, và phù hợp với truyền thống của vùng nông thôn Việt Nam. Đặc biệt vợ chồng chúng tôi dành hẳn một gian lớn để làm bếp, mua sắm đầy đủ tiện nghi từ bàn ăn, tủ bếp, bếp ga... Không như ngày xưa góc bếp của vợ chồng tôi giản đơn, đầy khói bụi, bồ hóng giăng tứ phía, khói vương cả lên khóe mắt, khói vương vấn ấy mái tóc dài óng ả mỗi buổi chiều khi vợ tôi ngồi bên bếp lửa, mắt vẫn thỉnh thoảng đưa về phía con ngõ, đợi bóng dáng ai quen thuộc về nhà.
Từ khi xây được ngôi nhà mới, mỗi lần bước vào, tôi cảm thấy tràn ngập hạnh phúc và quên đi những căng thẳng mệt mỏi sau những ngày lao động vất vả. Có nhà mới, tôi như được tiếp thêm động lực. Những hôm đi làm về mệt mỏi, chỉ cần bước vào nhà tôi đã thấy tinh thần phấn chấn hẳn lên. Tôi luôn tự nhủ chăm sóc, bảo dưỡng vì nó không chỉ là ngôi nhà để ở mà là tổ ấm của chúng tôi.
Hoàng Hữu Hóa