Thời gian qua, câu chuyện về những phát ngôn gây tranh cãi của một cô hoa hậu Việt dường như vẫn chưa lắng xuống. Tuy nhiên, thay vì tạo điều kiện cho người đẹp đó có cơ hội sửa sai trong sự ôn hòa, cảm thông, tôi thấy mạng xã hội xuất hiện hàng loạt các hội, nhóm anti-fan nhằm công kích, đòi tân hoa hậu phải trả lại vương miện. Thậm chí, có nhóm anti-fan còn tổ chức offline, giăng băng rôn, biểu ngữ, chụp ảnh và tung lên mạng với mục đích tiêu cực.
Có thể nói, đây là một hành động vượt quá giới hạn từ một nhóm cộng đồng mạng, tự nhân danh công lý để cho mình cái quyền công kích, lên án người khác bằng hình thức gây tổn hại đến tâm lý, tinh thần của họ. Cô hoa hậu kia suy cho cùng cũng chỉ là một cô gái trẻ tuổi, khi mang trọng trách đại diện cho một quốc gia, cũng không thể tránh khỏi những sai sót. Những thứ đó xuất phát từ hạn chế trong suy nghĩ, kinh nghiệm, bản lĩnh của bản thân cô, chứ cũng chưa gây ra điều gì nguy hại cho xã hội.
Hoa hậu hay ai cũng có khuyết điểm, cũng cần có thời gian để học tập, trau dồi và rèn luyện bản thân, để dần tốt hơn, hoàn thiện hơn trong tương lai. Việc trở thành một người tài sắc, trí tuệ, hội tụ chân - thiện - mỹ vẹn toàn lại càng là một quá trình cần có thời gian, nhất là với một cô gái có tuổi đời còn rất trẻ. Thế nên, việc vấp phải những sự cố, hạn chế là điều không thể tránh khỏi. Thay vì dùng những ngôn từ nặng tính mỉa mai, đá xéo để công kích như thời gian qua, lẽ ra chúng ta nên góp ý bằng thái độ tích cực. Sự "dạy dỗ" tiêu cực thế này không mang tính xây dựng, mà chỉ càng làm người khác rơi vào cảm giác tự ti, áp lực, thậm chí mất phương hướng.
Việc tấn công trên mạng xã hội trong thời gian qua ngày càng trở nên nghiêm trọng. Những nhóm người này ngày càng tự cho mình quyền thao túng người khác, muốn dìm ai thì dìm, bằng nhiều ngôn từ nặng nề. Sức mạnh của đám đông sẽ được xem là có hiệu quả tích cực khi được sử dụng đúng chỗ, nhưng nó sẽ trở thành thảm họa nếu thiếu kiểm soát, hoạt động theo kiểu phong trào, lôi kéo và kích động mà không biết điểm dừng. Điều này sẽ đẩy những nạn nhân rơi vào sự khủng hoảng vô cùng lớn, nhất là đối với các bạn trẻ, và có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Để việc sử dụng mạng xã hội trở thành công cụ tích cực, lan truyền những điều tốt đẹp đến cộng đồng, cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm soát, quản lý và đưa ra những quy định xử lý cụ thể đối với những người hoặc nhóm người lợi dụng không gian mạng để "khủng bố" tinh thần, "tấn công, bạo lực" ngôn từ gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín nhân phẩm của người khác.
Bất cứ ai cũng sẽ có sai lầm trong cuộc đời mình. Hôm nay chúng ta ngồi ở vị trí là người mỉa mai, phán xét người khác, nhưng biết đâu ngày mai chính bạn lại là nạn nhân của sự công kích. Thế nên, ai cũng cần được cảm thông và tha thứ. Hãy chọn một giới hạn để dừng lại, đừng đẩy mọi chuyện đi quá xa, đừng biến sự sai lầm của người khác thành sai lầm của mình, đừng biến khuyết điểm của người khác trở thành cái bất thiện trong bản thân mình.
Việc công kích, xúc phạm người khác để đổi lấy sự hả hê, thích thú, với sự hưởng ứng tập thể của đông người đã vô tình đẩy nhiều người vào tận đường cùng. Một cái sai lẽ ra có thể sửa đổi trong ôn hòa thì chúng ta lại biến nó thành nỗi ám ảnh, khổ sở và gánh nặng tâm lý đối với người khác. Thiết nghĩ, đó không phải là điều mà xã hội cần. Việc lợi dụng mạng xã hội để có những hành vi quá khích, tạo thành hiệu ứng đám đông tiêu cực, cần phải được chấn chỉnh và loại bỏ để con người không còn trở thành nạn nhân của bạo lực trên không gian mạng.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.