Đất nước đang khó khăn khi làn sóng Covid lần thứ tư khiến số người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tăng cao. Có những người bị mất việc, có những người bị bớt việc khiến cho thời gian thừa trong ngày trở nên nhiều hơn và lo lắng cũng chất chồng.
Có nhiều cách sử dụng khoảng thời gian thừa ấy và một trong những lựa chọn thông dụng của chúng ta là lướt mạng xã hội. Chúng ta lướt mạng xã hội không chỉ để biết thông tin của bạn bè, người thân mà còn để nắm thông tin số người dương tính, địa phương bị cách ly, nguồn lây do đâu... hay thậm chí chỉ là một thói quen thông thường để giết thời gian.
Việc lướt mạng xã hội đang ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của chúng ta. Hay nói cách khác, việc chúng ta tiếp nhận những thông tin hoặc truyền tải thông tin trên mạng xã hội đang ảnh hưởng đến nhận thức, tâm trạng và cảm xúc của nhau.
Tôi thích lướt mạng xã hội để biết những người thân của mình đang ra sao và tôi tin đó là kênh thông tin thuận tiện cho mục đích này. Khi lướt mạng xã hội, tôi nhận thấy và phần nào đoán biết được sự lo lắng, mệt mỏi của họ khi phải oằn mình chống dịch. Những thở than, những lo lắng, cả những câu nói với vỏ bọc hài hước nhưng bên trong là cảm giác bất lực.
Bên cạnh đó, tôi cũng nhận thấy một điều, đó là xã hội dường như dễ bức xúc, dễ tức giận dẫn đến việc dễ truyền đi những thông tin tiêu cực nhiều hơn.
Có những nguồn thông tin chưa được xác minh, chưa có tiếng nói của người trong cuộc hoặc đơn thuần là một sự quy kết, gán ghép thiếu cơ sở, nhưng khi đúng vào điểm nóng thời sự thì lại được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội. Nó dẫn đến điều gì? Không chỉ làm loạn thông tin, khiến chúng ta hiểu sai vấn đề mà còn khiến cho tinh thần của chúng ta và những người thân bị ảnh hưởng tiêu cực.
>> Đám đông bị lừa 'Trần Tiến qua đời'
Hãy nghĩ xem, một tin tức tồi tệ có thể khiến buổi sáng của chúng ta tràn ngập lo âu, một thông tin chắp vá đem đến sự giận dữ cho cả gia đình. Một bức ảnh chưa rõ nguồn gốc có thể khiến người chúng ta yêu thương sống một ngày dài trong sợ hãi. Một câu nói mang cảm xúc tiêu cực có thể khiến một người trầm cảm quyết định buông xuôi...
Sau đó thì sao nữa? Có thể họ cũng thể hiện sự giận dữ bằng cách tiếp tục chia sẻ thông tin này và một cách không được toan tính trước nhưng tinh thần của ta, người thân của ta bị phá bĩnh chỉ vì một nguồn thông tin chưa hẳn là sự thật.
Phải chăng, khi quá nhiều nỗi lo và thời gian thừa trong giai đoạn này đã đẩy chúng ta đến một trạng thái dễ cáu gắt, dễ lên án? Phải chăng chúng ta cảm thấy ổn hơn khi có một "con dê tế thần"? Phải chăng chúng ta mới chỉ nghe từ một phía và thực sự chưa có đủ thông tin để kết luận hay phán xét? Phải chăng những kết luận vội vàng và phán xét của chúng ta lại trực tiếp ảnh hưởng đến nhận thức, tâm trạng và cảm xúc của người khác khiến họ cũng trở nên tức giận, thiếu óc phân tích và đa chiều khi nhìn nhận một sự việc? Tôi cho rằng trong đại dịch này mỗi người đều bị ảnh hưởng và mỗi người đều xứng đáng được bảo vệ tinh thần.
Vậy cách bảo vệ tinh thần cho nhau là gì? Đây là trải nghiệm và điều tôi học được: khi chúng ta tập trung vào điều gì thì điều ấy phát triển. Khi chúng ta lo sợ dịch bệnh thì chúng ta có thói quen tìm kiếm những thông tin về dịch bệnh, khi chúng ta càng tập trung tìm kiếm thông tin dịch bệnh thì nguy cơ bắt gặp những tin tức tiêu cực càng cao. Khi thông tin tiêu cực càng cao thì nỗi lo sợ bên trong của chúng ta càng phát triển. Nỗi lo sợ ấy tăng lên và lan truyền theo cấp số nhân trong mỗi lần chúng ta cập nhật hoặc chia sẻ. Đôi khi mong muốn được là người biết sớm, được là người chia sẻ những thông tin nóng hổi ngăn cản việc chúng ta dừng lại và tự hỏi: sự thật là gì?
> Thời của những 'thẩm phán, đồ tể online'
Thông tin này đem lại lợi ích hoặc cảm xúc tích cực cho người xem nó không? Thông tin này có dễ bị hiểu sai ý không? Có nên cập nhật hoặc chia sẻ nó lên mạng xã hội không? Tôi thường tự trả lời những câu hỏi này trước khi quyết định chia sẻ hoặc cập nhật một trạng thái nào đó.
Còn khi tiếp cận bất kỳ thông tin gì, tôi tự hỏi: Nó có thật không? Còn cách giải thích nào khác không? Nếu nhìn ở góc độ khác thì sẽ như thế nào?
Vì sao lại tốn thời gian và nhọc công như thế? Vì tôi tin tinh thần của chúng ta trong giai đoạn này là cần thiết và chúng ta cần biết sự thật hơn là những tin hot nhưng chưa được kiểm chứng mùa dịch. Tôi chọn không chia sẻ một tin tức nào khi chưa có đủ thông tin hoặc nguồn truyền tin không đáng tin cậy. Tôi chọn mạng xã hội chỉ là nơi dành cho sự thư giãn, sự học hỏi điều ý nghĩa và là nơi khích lệ, đem đến cho nhau điều tích cực.
Những người xung quanh chúng ta đã đủ lo toan, mỏi mệt và chật vật trong dịch bệnh rồi, phải không?
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.