Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm qua cho rằng Triều Tiên đã phóng đại thông tin về vụ thử vũ khí hôm 5/1, nhận định đó là tên lửa đạn đạo từng được trưng bày tại triển lãm quốc phòng ở Bình Nhưỡng hồi tháng 10/2021 và khẳng định lực lượng Mỹ, Hàn Quốc đủ sức đánh chặn loại đầu đạn này.
Quan chức quốc phòng Hàn Quốc đánh giá các thông số được Triều Tiên công bố dường như để củng cố niềm tin của công chúng với chương trình tên lửa đạn đạo, nhấn mạnh Bình Nhưỡng chưa sở hữu những công nghệ cần thiết để phát triển và biên chế vũ khí siêu vượt âm.
Nhận xét nhiều khả năng sẽ khiến Triều Tiên tức giận. Seoul trước đây thường không lên tiếng hoài nghi về những vụ thử vũ khí của Bình Nhưỡng để tránh leo thang căng thẳng.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) trước đó thông báo tên lửa mang theo đầu đạn lướt siêu vượt âm đã "đánh trúng mục tiêu cách xa 700 km" trong thử nghiệm sáng 5/1.
Triều Tiên không tiến hành vụ thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) nào kể từ năm 2017, nhưng nước này trong năm qua đã phát triển và phóng hàng loạt tên lửa đạn đạo tầm ngắn với công nghệ ngày càng hiện đại, đủ sức tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Hàn Quốc, thậm chí căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản.
Bước ngoặt diễn ra vào tháng 9/2021 khi Triều Tiên tuyên bố lần đầu tiên phóng thành công tên lửa mang đầu đạn lướt siêu vượt âm, gọi đây là thử nghiệm mang "ý nghĩa chiến lược to lớn".
Vụ phóng đầu đạn siêu vượt âm lần thứ hai hôm 5/1 được giới phân tích quân sự nhận định là một phần trong nỗ lực liên tục của Bình Nhưỡng nhằm phát triển loại vũ khí có tốc độ và khả năng cơ động cao khi lao đến mục tiêu, nhằm xuyên thủng lá chắn tên lửa của Mỹ và đồng minh.
Các mẫu đầu đạn lướt siêu vượt âm thường được phóng bằng tên lửa đạn đạo để đạt tốc độ và độ cao tối ưu, sau đó đầu đạn sẽ tách rời và lướt về phía mục tiêu với tốc độ trên 6.200 km/h. Phần lớn hành trình của chúng ở trong khí quyển và đầu đạn có khả năng cơ động cao, khác với quỹ đạo bay ổn định ngoài khí quyển của đầu đạn tên lửa đạn đạo thông thường.
Tốc độ lớn, khả năng cơ động và đường bay thấp trong khí quyển khiến đầu đạn siêu vượt âm trở thành mục tiêu rất khó phát hiện và đánh chặn so với tên lửa đạn đạo truyền thống, đặt ra thách thức lớn với mọi lưới phòng không hiện đại.
Vũ Anh (Theo AP)