(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Là người dân hàng ngày đi qua cầu Thanh Trì, Hà Nội, tôi thường xuyên phải chứng kiến cảnh ùn tắc ngày càng tăng tại cây cầu này. Ngoài nguyên nhân khách quan do lượng phương tiện tham gia lưu thông ngày càng nhiều, còn có một nguyên nhân chủ quan là việc bố trí chưa hợp lý hai dải phân cách cứng (con lươn) giữa làn đường ở cả hai chiều kéo dài suốt dọc cầu (khoảng ba km). Chính hai "con lươn" này là thủ phạm gây nên phần lớn các vụ ùn tắc hiện nay bởi các lý do sau:
1. "Con lươn" chiếm diện tích (khoảng một mét) chính giữa lòng đường, chia cắt lòng đường đang rộng đủ cho bốn làn ôtô và một làn xe máy mỗi chiều, thành hai đường nhỏ (đường ngoài hai làn ôtô, đường trong một làn ôtô đi lẫn cùng xe máy). Dó đó, thực tế hiện nay, chức năng ban đầu của của "con lươn" là phân tách làn xe máy và ôtô cũng không còn. Dải phân cách cứng còn làm cho hai phần đường này không thể dịch chuyển sang nhau khi có sự cố ở một bên.
2. Trên hai phần đường bị "con lươn" chia tách này, nếu có một xe bị sự cố thì lập tức gây ùn tắc cho cả hàng dài xe phía sau nó vì các xe này không thể lách qua, mà bị "con lươn" chặn lại.
3. Do mật độ xe trên cầu rất đông, ép sát nhau, nên khả năng va chạm vào "con lươn" dài suốt ba km này là rất dễ xảy ra. Mỗi khi "con lươn" bị đâm đổ xuống thì lập tức gây ách tắc kéo dài trên cầu.
>> Đường hẹp, xe 'rùa bò' ám ảnh tài xế Phan Thiết - Sài Gòn
Trước đây, khi lượng xe tham gia lưu thông trên cầu còn ít, việc sử dụng "con lươn" ngăn cách giữa xe máy và ôtô cùng chiều trên cầu có thể là hợp lý, nhưng nay do lượng xe tham gia lưu thông trên cầu quá đông nên việc tồn tại dải phân cách cứng trở thành lợi bất cập hại và không còn phù hợp nữa. Là một người dân thường xuyên đi qua tuyến đường này, tôi xin đề nghị các cơ quan chức năng cho tháo bỏ hai "con lươn" và thay bằng vạch sơn kẻ đường, trả lại sự thông thoáng cho mặt đường trên cầu Thanh Trì.
Rất mong đề xuất này được sớm được thực hiện vì kể từ ngày 10/8 tới đây, khi cầu Thăng Long phải tạm dừng hoạt động để sửa chữa, không cho ôtô lưu thông qua, thì một lượng lớn phương tiện sẽ phải dồn sang cầu Thanh Trì. Khi đó, tình trạng ùn tắc nghiêm trọng, kéo dài rất có thể sẽ còn xảy ra trầm trọng hơn, nếu vẫn duy trì hai "con lươn" giữa cầu như hiện nay.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.