Xung đột Nga - Ukraine đã có bước ngoặt mạnh mẽ sau khi lực lượng của Kiev tái kiểm soát gần 9.000 km2 lãnh thổ ở Kharkov, miền đông bắc Ukraine. Cuộc phản công chớp nhoáng đã khiến lực lượng Nga phải rút quân khỏi nhiều vùng của Ukraine.
Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 8/9 cảnh báo lực lượng Ukraine sẽ đối mặt nhiều khó khăn khi mùa đông đến. "Chúng ta phải chuẩn bị cho mùa đông này, bởi không có dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ từ bỏ mục tiêu kiểm soát Ukraine", ông Stoltenberg nói bên lề cuộc họp của những đồng minh Ukraine ở Ramstein, tây nam Đức.
Một cuộc chiến tiêu hao mệt mỏi sẽ là điều khó khăn nhất mà Ukraine phải đối mặt, theo Lorne Cook, biên tập viên của ABC News. Ngoài vũ khí và đạn dược, điều mà Ukraine cần là trang thiết bị chiến đấu trong mùa đông.
Trong cuộc gặp hôm 8/9, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết Berlin sẽ cung cấp thiết bị phát điện, lều và các vật dụng khác cho Ukraine. Song Kiev cần nhiều hơn nữa.
"Mùa đông đang đến và mùa đông sẽ đặc biệt khó khăn trên chiến trường Ukraine. Chúng tôi biết quy mô của quân đội Ukraine đã lớn gấp ba lần so với mùa đông năm ngoái. Họ rất cần thêm quân phục cho mùa đông, cần máy phát điện để thắp sáng và sưởi ấm, họ cũng cần lều và những thứ khác để giúp vượt qua thời tiết khắc nghiệt", ông Stoltenberg nói.
"Tổng thống Putin tin rằng quân Nga có thể chiến đấu tốt hơn quân Ukraine, cũng như có thể chống chịu mùa đông tốt hơn người châu Âu và Mỹ. Thách thức của phương Tây là chứng minh ông ấy sai", Doyle McManus, nhà phân tích của LA Times, cho hay.
Mùa đông sắp tới cũng sẽ là một bài kiểm tra đối với Ukraine và đồng minh phương Tây. Lãnh đạo Nga cũng đặt cược vào niềm tin rằng sự ủng hộ của phương Tây với Ukraine sẽ phai nhạt trong mùa đông, khi những áp lực kinh tế và năng lượng đè nặng lên các chính phủ.
Giới quan sát cho rằng nếu Ukraine tiếp tục đạt được tiến bộ quân sự, châu Âu có thể tiếp tục chịu đựng mùa đông khó khăn. Song nếu các bước tiến của Ukraine bị đình trệ và cuộc chiến rơi vào tình trạng bế tắc kéo dài nhiều năm, giới chính trị phương Tây sẽ buộc phải thúc đẩy giải pháp hòa bình, như thúc giục Ukraine chấp nhận một số nhượng bộ, nếu không muốn tiếp tục gánh chịu những hậu quả nặng nề, theo Ross Douthat, nhà phân tích của NY Times.
Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu cao gấp 10 lần so với một năm trước, thu về cho Nga khoảng 1 tỷ USD mỗi ngày trong ba tháng đầu tiên của cuộc xung đột. Các lệnh trừng phạt Nga được nhận định là sẽ chỉ có tác động đáng kể trong dài hạn, bởi vì nền kinh tế Nga khá khép kín.
Bất chấp những khó khăn phía trước, một số nhà quan sát vẫn bắt đầu nghĩ về kịch bản Ukraine chiến thắng. Tướng David Petraeus, cựu giám đốc CIA và chỉ huy lực lượng Mỹ ở Iraq, nói ông hy vọng Ukraine có thể giành lại các vùng lãnh thổ mà Nga đã kiểm soát kể từ tháng 2. Ông thậm chí "tưởng tượng rằng họ có thể giành lại bán đảo Crimea và Donbass".
Tuy nhiên, ông cũng nhận định nỗ lực này sẽ mất nhiều thời gian và có thể phải trải qua giao tranh ác liệt. Đồng thời, trong trường hợp đó, các tuyến tiếp tế sẽ gặp căng thẳng và các đơn vị tinh nhuệ sẽ bị dàn mỏng, khiến lực lượng Ukraine dễ bị tổn thương trước đối thủ.
Giới quan sát nhận định thành công trên chiến trường Ukraine vẫn sẽ phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung khí tài từ phương Tây.
Trong bài bình luận trên Foreign Affairs, các nhà phân tích Ivo Daalder và James Lindsay nhận định phương Tây sẽ duy trì ủng hộ với Ukraine tới cùng. "Nhiều người hoài nghi phương Tây sẽ chùn bước khi đối mặt khó khăn. Nhưng những tiếng nói như vậy đánh giá thấp sức mạnh của phương Tây", Daalder và Lindsay viết.
Thanh Tâm (Theo CNN, ABC News, CFR)