Các quan chức, nhà bình luận trên truyền hình Nga nhiều tháng qua mô tả "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine đang phát huy hiệu quả, dần đạt được các mục tiêu "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" chế độ ở Kiev.
Nhưng cuộc tháo chạy hỗn loạn gần đây của lực lượng Nga ở Kharkov, đông bắc Ukraine, với hàng loạt khí tài hạng nặng bị vứt bỏ, đã khiến dư luận nước này dậy sóng, khi các học giả, nhà phân tích cố gắng lý giải nguyên nhân quân đội Ukraine có thể tái kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ từ tay Nga trong một thời gian ngắn như vậy.
"Chúng ta buộc phải hiểu một điều đơn giản là Nga không thể đánh bại Ukraine bằng nguồn lực như hiện nay, cũng như với chiến thuật sử dụng lính chuyên nghiệp theo hợp đồng hay lính đánh thuê mà không ban bố lệnh tổng động viên", cựu nghị sĩ Nga Boris Nadezhdin bình luận trên chương trình truyền hình cuối tuần của kênh NTV.
"Chúng ta hoặc phải phát lệnh tổng động viên và tiến hành cuộc chiến toàn diện, hoặc rút quân khỏi Ukraine", ông nói thêm. Nadezhdin cho rằng Nga có một lựa chọn "hợp lý hơn" là xúc tiến đàm phán thỏa thuận hòa bình với Ukraine.
Quan điểm của Nadezhdin lập tức vấp phải sự phản đối của một nhà bình luận khác cũng trên NTV. "Nadezhdin, tôi kêu gọi ông xem lại phát ngôn của mình", Alexander Kazakov, đồng chủ tịch đảng Một nước Nga Công bằng - Vì Sự thật, vốn ủng hộ nhiệt thành cuộc chiến, lên tiếng.
Tổng thống Vladimir Putin nhiều tháng qua không phát lệnh tổng động viên và tuyên chiến với Ukraine, dường như lo ngại điều này làm gia tăng căng thẳng với phương Tây cũng như tạo ra tâm lý bất an trong xã hội Nga. Thay vào đó, ông ký sắc lệnh cho phép tăng cường tuyển mộ binh sĩ theo hợp đồng. Nga cũng được cho là đang sử dụng rộng rãi các tay súng của công ty an ninh tư nhân Wagner tham chiến ở Ukraine, bù đắp cho tổn thất về lực lượng chính quy.
Cuộc tranh cãi của hai nhà bình luận chính trị trên NTV chỉ là một trong nhiều tranh luận trên các chương trình truyền hình Nga sau tuần phản kích hiệu quả của Ukraine.
Dmitry Kiselev, một trong những người dẫn chương trình hàng đầu ủng hộ Điện Kremlin, mở đầu show Chủ nhật hàng tuần với nhận xét rằng "đó là tuần khó khăn nhất ở tiền tuyến" kể từ ngày đầu chiến dịch. Tuy nhiên, Kiselev cũng sử dụng thuật ngữ "tái tập trung lực lượng" để mô tả các đợt rút lui của quân Nga, giống như báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga.
Nhiều người khác coi thất bại lần này ở Kharkov là cơ hội để thúc đẩy lời kêu gọi Điện Kremlin quyết liệt hơn nữa trong chiến dịch chiến dịch quân sự ở Ukraine, đồng thời kêu gọi người dân ủng hộ cuộc chiến.
"Tôi không thể chịu nổi những giọng điệu giận dữ đó", Margarita Simonyan, tổng giám đốc kênh RT, viết trên Telegram hôm 10/9, sau khi nhiều nhà bình luận quân sự, học giả Nga tức giận cho rằng đợt rút lui ở Kharkov là một "thảm họa". "Hãy bình tĩnh, bớt kêu ca, giúp được gì thì giúp, cầu nguyện và nén nỗi phẫn nộ, làm mọi thứ có thể vì chiến thắng chắc chắn thuộc về chúng ta", Simonyan viết.
Trong khi đó, nhiều hãng tin khác của Nga đơn giản chọn cách không đề cập tới cuộc rút lui của Nga khỏi các vùng lãnh thổ từng kiểm soát ở Ukraine, trong đó có Izyum và Balakliya.
Rossiyskaya Gazeta, tờ báo chính thức của chính phủ Nga, tuyên bố quân đội Ukraine đã thương vong 4.000 người trong cuộc phản công tuần qua. Tờ báo cũng ca ngợi phi hành đoàn một chiếc trực thăng tấn công Mi-35, được cho là đã ngăn chặn lực lượng Ukraine vượt sông Oskil, ngoại ô Kharkov. Tuy nhiên, bài viết không đề cập tới đà tiến của Ukraine trong chiến dịch phản công.
"Dù vậy, khi đề cập tới các hoạt động tác chiến ở Senkove hay sông Oskil, truyền thông Nga đã ngầm thừa nhận quân Ukraine tiến sâu tới đâu", Mark Galeotti, người đứng đầu nhóm Mayak Intelligence, viết trên Twitter.
Trước cuộc phản công của Ukraine, truyền thông Nga cho rằng đây chỉ là nỗ lực nhằm lôi kéo hàng tỷ USD viện trợ từ phương Tây, hoặc tuyên bố đây là kế hoạch thông minh của Moskva nhằm khiến đối phương để lộ vị trí ở miền đông.
Vladimir Solovyov, người dẫn chương trình Rossiya 1, vốn nổi tiếng với giọng điệu công kích phương Tây, ngày 7/9 tuyên bố cuộc phản công sẽ "không diễn ra suôn sẻ như người Ukraine mong đợi".
Tuy nhiên, trong chương trình Chủ nhật hàng tuần, câu chuyện đã thay đổi đáng kể. Solovyov giờ đây phải tìm cách giải thích tổn thất chiến lược của Nga bằng cách tuyên bố nước này không chỉ chiến đấu với Ukraine, mà còn phải đối phó với toàn bộ khối NATO.
Solovyov nhân dịp này kêu gọi Nga áp dụng chiến thuật mà NATO từng sử dụng, đó là nhắm vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu của Ukraine để "dễ dàng vô hiệu hóa đối phương".
Khi chương trình của Solovyov đang phát sóng, lực lượng Nga đã tập kích tên lửa vào loạt mục tiêu ở Kharkov, gây mất điện ở hơn 30 khu định cư miền đông bắc Ukraine. Các cuộc tập kích đã khiến một nhà ga gần Kharkov bốc cháy và một người chết. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ trích các cuộc tấn công "có chủ đích" nhằm vào mục tiêu dân sự là hành động khủng bố, nhưng Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin.
Cảnh ngọn lửa bao trùm nhà máy điện ở Kharkov đã khiến nhiều người Nga có quan điểm cứng rắn vui mừng. Họ xem đây là đòn đáp trả mạnh mẽ nhắm vào Ukraine, điều mà họ từ lâu mong muốn Điện Kremlin sẽ thực hiện nhằm tăng sức ép với Kiev.
"Tôi vui khi đã thấy các cuộc tập kích vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, bởi điều đó rất quan trọng để giành chiến thắng", Evgeny Poddubny, phóng viên chiến trường ủng hộ Điện Kremlin, cho hay.
Ngày 11/9, truyền thông nhà nước Nga tiếp tục đăng những tuyên bố chiến thắng như trước, khi Bộ Quốc phòng cho hay đang tiến hành các cuộc không kích dữ dội vào nhiều mục tiêu ở Ukraine.
"Chúng tôi tập kích đối phương không chỉ trên mặt đất mà còn từ trên không. Bạn có thể thấy tên lửa bay tới từ Biển Caspi", Olga Skabeeva, người dẫn chương trình 60 Minutes, nói, thêm rằng việc Nga phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine báo hiệu một bước ngoặt trong chiến lược và toàn bộ chiến dịch quân sự.
Skabeeva cho biết Tổng thống Putin hai tháng trước nói rằng Nga thậm chí còn chưa thực sự bắt đầu cuộc chiến, nhưng bây giờ có vẻ như thời điểm đó đã đến.
"Bất chấp những thành công hạn chế của Ukraine trong chiến dịch phản công, phương Tây vẫn trao cho Nga lợi thế trong cuộc chiến này. Và thời gian, đồng minh chính của chúng tôi, đang nghiêng về phía Nga", bà nói.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)