Ukraine tuyên bố đã giành lại hơn 6.000 km2 lãnh thổ từ tay Nga bằng chiến dịch phản công chớp nhoáng của mình. Điều gây ngạc nhiên là quân đội Ukraine có thể chiếm lại phần lớn tỉnh Kharkov, đông bắc đất nước, chỉ trong hơn một tuần, đẩy lực lượng Nga quay trở lại biên giới, và nhắm cả vào vùng Donbass ở miền đông.
Trong lúc các sự kiện ở Kharkov thu hút nhiều chú ý, đợt phản công của Ukraine ở tỉnh Kherson, miền nam nước này, vẫn tiếp tục, dù chưa đạt được những kết quả rõ ràng về lãnh thổ.
Chiến dịch phản công ở hai mũi của Ukraine được cho là đang đẩy Nga vào tình thế khó khăn, khi phải vừa tìm cách tái tập hợp lực lượng để bảo vệ vùng kiểm soát ở miền đông, vừa duy trì phòng tuyến ở hữu ngạn sông Dnieper tại miền nam.
Stefan Wolff, giáo sư về an ninh quốc tế tại Đại học Birmingham, Anh, cho rằng chiến dịch phản công này của Ukraine chưa phải là một bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến trường và Tổng thống Nga Vladimir Putin có nhiều lựa chọn về cách phản ứng.
Tái tập hợp lực lượng để phản công
Ông Putin từng nhiều lần tuyên bố sẽ không từ bỏ mục tiêu trong "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hồi tháng 7 còn cho rằng mục tiêu quân sự của nước này ở Ukraine không còn chỉ tập trung vào Donbass ở miền đông, mà mở rộng sang miền nam và các khu vực khác.
Bởi vậy, các nhà phân tích cho rằng ông Putin nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì chiến dịch ở Ukraine, bất chấp đà phản công của đối phương.
"Tổng thống Putin chắc chắn muốn tiếp tục cuộc xung đột này, nhưng ông ấy chủ yếu đang hành động với ý niệm rằng quân đội Nga đang chiến thắng và cuối cùng sẽ giành chiến thắng", Michael Kofman, chuyên gia nghiên cứu về Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân (CNA), trụ sở ở Arlington, Mỹ, nhận định.
Các nhà phân tích quân sự Nga và phương Tây đều cho rằng dưới góc nhìn của Moskva, quân đội Nga cần khẩn trương tái tập hợp lực lượng sau những cuộc rút lui liên tiếp gần đây, nhằm ngăn Ukraine tiến sâu hơn vào vùng Donbass. Mục tiêu tiếp theo của Nga có thể là triển khai một cuộc phản kích, nhằm giành lại thế chủ động cũng như những phần lãnh thổ mà Ukraine vừa tái kiểm soát.
Tuy nhiên, các nhà quan sát phương Tây vẫn hoài nghi về khả năng Nga có thể tập hợp đủ lực lượng bộ binh và khí tài để triển khai một chiến dịch phản kích lớn như vậy, trong bối cảnh họ đã hứng chịu nhiều thiệt hại vì đòn phản công của Ukraine.
Quân đội Ukraine cho rằng Nga đã mất hơn 600 khí tài hạng nặng, trong đó có nhiều xe tăng, thiết giáp và pháo, khi vội vàng rút khỏi các thành phố ở Kharkov. Quân đội Nga cũng được cho là hứng chịu nhiều tổn thất về binh lực trong gần 7 tháng qua.
"Họ không có nguồn nhân lực phù hợp", Konrad Muzyka, giám đốc công ty tư vấn Rochan Consulting của Ba Lan, nhận xét sau khi Nga rút quân ở đông bắc Ukraine. "Các tiểu đoàn tình nguyện đang thiếu khả năng tác chiến cần thiết và chiến dịch tuyển quân của họ không mang lại kết quả như mong đợi. Nếu muốn bổ sung quân, Moskva có lẽ phải cần phát lệnh tổng động viên".
Bước lùi của lực lượng Nga ở Kharkov khiến các học giả, nhà bình luận thân Điện Kremlin tranh cãi về chiến lược quân sự tại Ukraine. Cựu nghị sĩ Nga Boris Nadezhdin cho rằng Điện Kremlin "phải phát lệnh tổng động viên và tiến hành cuộc chiến toàn diện, hoặc rút quân khỏi Ukraine".
Lệnh tổng động viên có thể giúp quân đội Nga huy động một cách nhanh chóng khoảng 2 triệu quân dự bị, những người từng tham gia nghĩa vụ quân sự trong vòng 5 năm qua.
Động thái này có thể được những người theo đường lối cứng rắn ở Nga ủng hộ, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức. Lực lượng dự bị này sẽ cần nhiều thời gian để huấn luyện và điều động tới chiến trường Ukraine, cũng như trang bị vũ khí, khí tài cho họ để tác chiến hiệu quả.
Một đợt huy động lực lượng rầm rộ như vậy có thể vấp phải phản ứng tiêu cực từ dư luận ở các đô thị lớn. Đồng thời, nó cũng khiến Điện Kremlin phải thay đổi thông điệp về xung đột ở Ukraine, từ một "chiến dịch quân sự đặc biệt" với các mục tiêu hạn chế sang một cuộc chiến tổng lực.
Andrey Kortunov, người đứng đầu RIAC, tổ chức tư vấn thân Bộ Ngoại giao Nga, cho biết ông tin Tổng thống Putin chưa tính đến phương án tổng động viên trong thời gian trước mắt.
"Nhiều thanh niên ở các thành phố lớn không muốn tham chiến và lệnh tổng động viên sẽ khó được hưởng ứng", ông nói. "Nhà chức trách muốn giữ hiện trạng như trước đây, nhằm tránh gây ra xáo trộn lớn trong tâm lý xã hội".
Tony Brenton, cựu đại sứ Anh tại Nga, nhận định dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, sẽ phải mất nhiều tháng trước khi lệnh tổng động viên có thể tạo ra thay đổi với sức mạnh chiến đấu của Nga.
Tăng tập kích tên lửa
Trong bối cảnh chưa huy động được lực lượng bộ binh đủ lớn để tạo sức ép ngược với Ukraine, Nga có thể tận dụng kho vũ khí tầm xa của mình để tăng cường các đòn tập kích vào những mục tiêu trọng yếu của đối phương, nhằm kéo giảm đà phản công.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 13/9 thông báo đã tập kích quy mô lớn lực lượng Ukraine trên mọi chiến tuyến, khiến "800 binh sĩ Ukraine và lính đánh thuê nước ngoài thương vong". Quân đội Nga còn tuyên bố phá hủy nhiều kho đạn, sở chỉ huy, pháo của Ukraine.
Ukraine cũng cáo buộc Nga tập kích tên lửa vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu, trong đó có nhà máy điện, gây tình trạng mất điện diện rộng ở Kharkov cùng các khu vực Poltava và Sumy lân cận. Nguồn cung cấp nước sạch và hạ tầng mạng di động ở khu vực cũng bị ảnh hưởng.
Nga chưa bình luận về cáo buộc này, nhưng nhiều lần tuyên bố chỉ nhắm vào mục tiêu quân sự ở Ukraine. Dù vậy, giới phân tích cho rằng việc các cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng bị thiệt hại sẽ gây nhiều khó khăn cho Ukraine khi mùa đông sắp đến.
"Mặc dù Tổng thống Putin đã sử dụng gần như toàn bộ các lá bài năng lượng của mình, ông vẫn có thể gây ra nỗi đau đớn kéo dài cho Ukraine và phương Tây, đặc biệt là khi mùa đông lạnh giá đang đến gần", Wolff nhận xét.
Hai nguồn tin Nga am hiểu vấn đề hồi tháng trước cho biết ông Putin đang hy vọng rằng giá năng lượng tăng vọt và tình trạng thiếu hụt nhiên liệu có thể xảy ra vào mùa đông này sẽ khiến châu Âu chùn bước, qua đó gây sức ép để Ukraine chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn theo các điều kiện có lợi cho Nga.
Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao châu Âu tin rằng thành công trong chiến dịch phản công gần đây của Ukraine đã làm lung lay quan điểm thúc ép Kiev nhượng bộ trong Liên minh châu Âu (EU).
EU đã cấm than Nga và thông qua lệnh cấm một phần dầu thô nhập khẩu từ nước này. Đáp lại, Nga đã giảm mạnh xuất khẩu khí đốt sang châu Âu và đe dọa có thể cắt tất cả nguồn năng lượng tới châu lục, đòn bẩy mà ông Putin vẫn chưa kích hoạt.
Sử dụng sức ép ngoại giao
Ngoài các biện pháp quân sự, Nga có thể đối phó với chiến dịch phản công của Ukraine bằng lá bài ngoại giao, trong đó nổi bật nhất là thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc, vốn được ký nhằm giải phóng hàng chục triệu tấn lương thực và cứu ngành nông nghiệp Ukraine khỏi một thảm họa.
Nga gần đây liên tục cáo buộc phương Tây không thực hiện các cam kết liên quan đến thỏa thuận do Liên Hợp Quốc làm trung gian về xuất khẩu ngũ cốc Ukraine. Hải quân Nga hoàn toàn có thể khôi phục phong tỏa các cảng của Ukraine ở Biển Đen nếu bị đẩy vào thế khó, giới chuyên gia đánh giá.
Khi đó, Ukraine sẽ tiếp tục lâm vào bế tắc với lượng lương thực thu hoạch từ vụ thu, trong khi nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu có thể trở nên trầm trọng hơn, làm gia tăng lạm phát ở nhiều quốc gia.
Chuyên gia Wolff cho rằng với bất kỳ kịch bản nào xảy ra, triển vọng về một thỏa thuận hòa bình để chấm dứt xung đột hiện rất nhỏ nhoi, bởi hai bên đang "cách nhau quá xa" trên bàn đàm phán.
Sau chiến dịch phản công, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố quá trình đàm phán với Nga sẽ không khả thi cho đến khi quân đội nước này đẩy được toàn bộ lực lượng Nga ra khỏi lãnh thổ, kể cả bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập năm 2014.
Nhưng với Nga, việc rút khỏi vùng lãnh thổ đang kiểm soát ở miền đông Ukraine, nơi có Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng, là bất khả thi về mặt chính trị, vì Moskva đã công nhận độc lập của hai thực thể này.
Việc trao trả vùng lãnh thổ rộng lớn đã kiểm soát ở miền nam Ukraine cũng là một hành động khó có thể được chấp nhận ở nước Nga, đặc biệt là với những người có quan điểm cứng rắn.
Các nhà phân tích phương Tây và giới chức quốc phòng Mỹ cũng tỏ ra thận trọng với đánh giá về kết quả phản công của Ukraine, khi cho rằng lực lượng Nga vẫn rất "mạnh và hùng hậu", đồng thời vẫn kiểm soát lãnh thổ rất lớn ở Ukraine.
Dù Ukraine đã giành được những kết quả nhất định trong chiến dịch phản công, chuyên gia Wolff cảnh báo Kiev không nên vui mừng quá sớm, bởi họ vẫn chưa chiến thắng hoàn toàn và Nga có thể tung ra các đòn phản kích lớn trong thời gian tới.
"Cuộc xung đột đã chứng kiến một bước ngoặt, nhưng ngay cả đánh giá này cũng cần được đưa ra một cách thận trọng", Wolff nói. "Toàn bộ cục diện chỉ có thể thay đổi nếu hành động quân sự của Ukraine đưa được Nga đến bàn đàm phán, điều rất khó xảy ra trong tương lai gần".
Vũ Hoàng (Theo CNA, Washington Post, Reuters)