Yan Xin, 46 tuổi, sẽ cho người xem thấy cảnh tuyết rơi dày phủ trắng quê hương Tuy Phân Hà của cô ở tỉnh Hắc Long Giang, giáp biên giới Nga. Cô cũng chia sẻ về những món ăn địa phương mà du khách Nga thích và kể thị trấn biên giới sầm uất ngày nào giờ vắng vẻ ra sao.
Yan từng có một cửa hàng kinh doanh phát đạt với đủ thứ từ đồng hồ điện tử tới dép nhựa. Nhưng giờ, cô chỉ hy vọng người xem sẽ bấm vào đường link dẫn tới cửa hàng trực tuyến của mình để mua một số đặc sản địa phương như mộc nhĩ.
"Sáng sớm, khi những người livestream nổi tiếng khác còn đang ngủ, là thời điểm tốt nhất cho tôi. Tôi không có cơ hội khi họ bắt đầu phát sóng vào khung giờ vàng. Đây là cách tôi kiếm tiền bây giờ", Yan nói.
Đã hai năm kể từ khi Covid-19 khiến cuộc sống của 100.000 dân tại thị trấn Tuy Phân Hà bị đảo lộn. Những cư dân như Yan đang chật vật khôi phục cuộc sống bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp hạn chế, ngay cả khi họ nhận ra chúng còn lâu mới kết thúc.
Khi đại dịch mới bùng phát, Trung Quốc đã phản ứng nhanh với các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt cùng nhiều lệnh phong tỏa, cách ly khắc nghiệt. Tuy nhiên, hai năm trôi qua, những cụm dịch lẻ tẻ vẫn bùng phát ở nhiều địa phương đã khiến giấc mơ nới lỏng hạn chế tan biến, dù tỷ lệ tiêm chủng của Trung Quốc ngày càng tăng. Tính đến ngày 10/12, hơn 82% dân số nước này đã tiêm chủng đầy đủ.
Sự xuất hiện của Omicron, biến chủng lần đầu được ghi nhận ở Nam Phi hồi tháng 11 và hiện lan tới hơn 100 quốc gia, có thể càng khiến hy vọng của những người như Yan càng thêm mờ mịt.
Yan chỉ là một trong nhiều thương nhân địa phương bị ảnh hưởng trong đại dịch. Thương mại xuyên biên giới không ổn định, bởi không thể đảm bảo hàng hóa cô gửi tới tay khách hàng. Năm ngoái, Yan hầu như không có thu nhập. Thị trấn Tuy Phân Hà từng bị phong tỏa hai lần vì các đợt bùng phát Covid-19.
Yan biết cô phải tìm con đường kiếm sống khác. Tháng 3 năm nay, cô bắt đầu kinh doanh trực tuyến.
"Đã hai năm. Hàng hóa vẫn chất đống ở cửa hàng. Tôi không thể chỉ ngồi đợi mở cửa biên giới. Chúng tôi cần kiếm ăn", Yan nói.
Hiện Yan có khoảng 200.000 người theo dõi trên mạng và hy vọng sẽ chuyển sang một lĩnh vực kinh doanh khác phù hợp hơn với thị hiếu khách hàng trong nước.
Giới chức và chuyên gia y tế Trung Quốc nhiều lần khẳng định sẽ không từ bỏ chiến lược "không Covid" và có mở biên giới hay không còn phụ thuộc tình hình đại dịch toàn cầu. Khi chính sách kiểm soát dịch nghiêm ngặt chưa có dấu hiệu nới lỏng, nhiều người Trung Quốc sẽ tiếp tục phải gồng mình đối phó với cuộc sống gián đoạn trong thời gian dài sắp tới.
Zhao Yandong, một giám đốc điều hành cơ quan xúc tiến kỹ thuật số ở Bắc Kinh, đã phải hạn chế đi lại trong đại dịch. Zhao không lo bị nhiễm virus, mà sợ sẽ trở thành F1 hoặc F2, hay phải ở trong một thành phố có dịch bùng phát. Điều này sẽ khiến anh phải đối mặt với các đợt xét nghiệm và cách ly bắt buộc, cũng như bị mắc kẹt vì hạn chế đi lại.
"Tôi trở về từ Thạch Gia Trang ở tỉnh Hà Bắc trước một đợt bùng phát vào tháng 1. Vài ngày sau, tôi nhận được cuộc gọi yêu cầu đi xét nghiệm", Zhao nói. "Xét nghiệm không phải là vấn đề, nhưng chính quyền Bắc Kinh thông báo rằng cư dân ở các thành phố có ổ dịch không thể trở lại thủ đô trong một thời gian. Trong bối cảnh dịch có thể bùng phát đột ngột ở bất cứ đâu, đi lại tiềm ẩn quá nhiều rủi ro".
Zhao phải chuyển các cuộc họp sang hình thức trực tuyến và phải dùng điện thoại rất nhiều. Tuy nhiên, anh có thể dành thời gian nhiều hơn cho gia đình.
Đối với nhiều cư dân nước ngoài, Trung Quốc có thể mang tới một môi trường an toàn trong đại dịch, nhưng những bất tiện về hạn chế đi lại khiến một số cân nhắc việc rời đi.
Dave, quản lý một tổ chức phi chính phủ ở Bắc Kinh, nói cuộc sống dưới chiến lược "Không Covid" rất khó khăn, đặc biệt là với những người nước ngoài không sống cùng gia đình ở đây.
"Thật tốt khi tôi không phải lo lắng về virus và thấy vui khi đã ở Trung Quốc trước khi vaccine xuất hiện. Nhưng tôi mong Trung Quốc đảo ngược chính sách hiện tại vì vaccine đã khiến Covid-19 bớt nghiêm trọng hơn", anh nói.
Dave đã về Anh để đoàn tụ gia đình vào tháng 2 năm ngoái và phải đợi suốt nhiều tháng trước khi Trung Quốc mở cửa biên giới với những người có thị thực lao động hợp lệ. Anh đã trở lại làm việc sau hai tuần cách ly, nhưng giờ cảm thấy như bị mắc kẹt ở Trung Quốc.
"Giờ tôi có thể về nhà nhưng vì chuyến bay hạn chế nên giá vé rất đắt đỏ. Cách ly cũng rất tốn kém và phiền toái", Dave nói. "Nó cũng rất rủi ro bởi ai mà biết được liệu tôi có thể trở lại nếu nhiễm virus ở nước ngoài hay không. Trung Quốc luôn kiểm tra kháng thể trước khi cho phép bạn trở về nước. Tôi đang bị mắc kẹt ở đây và không thấy có dấu hiệu chính sách này sớm thay đổi. Có lẽ tôi nên tìm việc ở một quốc gia khác".
Tại Trung Quốc, Dave cũng nhận thấy những hạn chế đi lại đặc biệt nghiêm ngặt và rất phức tạp đối với người nước ngoài, nhất là ở các thành phố nhỏ.
Dave từng tới Bắc Kinh và phải cách ly hai tuần vì có đợt dịch bùng phát. Sau đó, khi tới tỉnh Vân Nam nghỉ lễ, Dave không được miễn xét nghiệm như những người bạn Trung Quốc của anh, dù hộ chiếu cho thấy rõ anh không rời khỏi đất nước suốt nhiều tháng.
"Phải cách ly tại nhà hai tuần không phải là tận thế. Không thể đi lại thoải mái hay được tự do làm điều này điều kia cũng không phải tận thế. Nhưng khi cộng tất cả chúng lại với nhau, nó thực sợ trở thành vấn đề", anh nói.
Thanh Tâm (Theo SCMP)