"Trung Quốc là mảnh đất còn hoang sơ với nCoV, bởi rất ít người bị phơi nhiễm ở đây do chiến lược 'không Covid'", Tong Youzhi, giám đốc điều hành hãng dược phẩm Trung Quốc Kintor, đánh giá. "Tuy vậy, nhu cầu về thuốc điều trị Covid-19 hiệu quả cũng cấp thiết với Trung Quốc không kém những nơi khác, nếu chúng ta muốn lấy lại cuộc sống trước đại dịch".
Chiến lược "không Covid", với các biện pháp như phong tỏa quyết liệt, xét nghiệm quy mô lớn hay giám sát biên giới chặt chẽ, Trung Quốc hiện được cho là kiểm soát đại dịch khá thành công. Tuy nhiên, đây lại là nguyên nhân khiến rất ít dân số Trung Quốc được bảo vệ nhờ miễn dịch tự nhiên, khiến họ đặc biệt dễ bị tổn thương trước virus nếu đất nước mở cửa.
Dù hơn 75% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, Trung Quốc vẫn đóng cửa với phần còn lại của thế giới và quyết tâm dập tắt mọi đợt bùng phát. Chiến dịch tiêm chủng tại nước này phụ thuộc vào các vaccine bất hoạt nội địa, vốn được cho là có hiệu quả ngăn chặn lây nhiễm không quá cao.
Tình huống này đặt ra câu hỏi rằng liệu chỉ tiêm chủng có đủ để Trung Quốc mở cửa, chung sống với đại dịch hay không. Theo giới phân tích, đây là nguyên nhân chủ chốt khiến Bắc Kinh ngần ngại quay lưng với chiến lược "không Covid".
Vì vậy, thuốc trị Covid-19 tự phát triển và đạt hiệu quả cao, nhằm đề phòng tình huống dịch bùng phát, có thể là chìa khóa quan trọng định đoạt thời điểm Trung Quốc thay đổi chiến lược chống dịch, chuyển sang coi Covid-19 là bệnh đặc hữu.
Mục tiêu của hãng dược Kintor, có trụ sở ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô, là phát triển được một sản phẩm đáp ứng yêu cầu này. Proxalutamide, loại thuốc tiềm năng của công ty, đang được thử nghiệm ở Mỹ và Brazil. Thuốc có thể được dùng qua đường uống và dễ dàng sản xuất với số lượng lớn, lợi thế quan trọng trong đại dịch.
Kintor đã bắt đầu nghiên cứu proxalutamide từ nhiều năm trước nhằm điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Thuốc giúp ức chế nội tiết tố nam androgen mà một số nhà nghiên cứu tin rằng có thể liên quan đến nguy cơ Covid-19 trở nặng.
Nghiên cứu ban đầu tại Brazil cho thấy proxalutamide giúp giảm tỷ lệ nhập viện trong số những ca nhiễm nhẹ và tỷ lệ tử vong trong các trường hợp nghiêm trọng, kết quả tốt ngoài sức tưởng tượng đối với một số chuyên gia.
Những thử nghiệm quy mô lớn hơn và nghiêm ngặt hơn đối với proxalutamide đang được tiến hành tại Mỹ, Trung Quốc và một số nơi khác để đối chiếu. Nếu những thử nghiệm này cho kết quả tích cực, proxalutamide nhiều khả năng sẽ được cấp phép sử dụng. Truyền thông Trung Quốc cho biết thuốc trị Covid-19 nội địa có thể được phê duyệt khẩn cấp ngay tháng sau.
Trong cuộc phỏng vấn cuối tháng 9, Cao Phúc, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, cũng cho biết các thuốc trị Covid-19 hiện là ưu tiên trong nỗ lực giảm thiểu tác động của đại dịch. Ông cho rằng tiêm chủng kết hợp với điều trị sẽ giúp đất nước chuyển sang giai đoạn sống chung với virus.
Hệ thống y tế không đồng đều của Trung Quốc cũng được cho là một lý do khiến nước này ngần ngại thay đổi chiến lược chống Covid-19. Giám đốc Tong của Kintor cho biết nhiều người lo ngại dịch bệnh có thể phá hủy hệ thống y tế ngay khi Trung Quốc mở cửa biên giới, nếu không có biện pháp điều trị hiệu quả.
Một nhóm nhà toán học thuộc Đại học Bắc Kinh hôm 27/11 công bố trên tạp chí CDC Weekly của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Trung Quốc một nghiên cứu cảnh báo Trung Quốc có thể ghi nhận tới 637.000 ca nhiễm mới mỗi ngày nếu áp dụng mô hình mở cửa của Mỹ. Con số này lần lượt là 275.793 và 454.198 nếu đi theo con đường của Anh và Pháp.
Nghiên cứu cho rằng Trung Quốc sẽ "đối mặt với đợt bùng phát dịch khổng lồ và đặt gánh nặng ngoài sức chịu đựng của ngành y tế" nếu từ bỏ chiến lược "không Covid" hiện nay, trong khi chưa phát triển được thuốc điều trị hiệu quả.
Các siêu đô thị Trung Quốc như Bắc Kinh và Thượng Hải có những bác sĩ hàng đầu thế giới, hầu hết cơ sở y tế được trang bị tốt, nhưng mạng lưới y tế ở những vùng nông thôn kém phát triển hơn lại bị hạn chế, có thể nhanh chóng quá tải nếu số ca nhiễm gia tăng.
Đợt bùng phát gần đây từ các tỉnh phía tây bắc, sau đó lan rộng trên toàn quốc và trở thành đợt dịch lớn nhất sau Vũ Hán, cũng phơi bày những rủi ro đối với các khu vực xa xôi của Trung Quốc. Đội ngũ bác sĩ và y tá nhiễm virus lúc làm việc, các cơ sở y tế nhỏ không đủ năng lực điều trị, buộc phải chuyển bệnh nhân tới bệnh viện lớn hơn.
Theo Tong, những phương pháp điều trị hiệu quả và được phổ biến rộng rãi có thể giúp giảm bớt nỗi lo sợ về nguy cơ trở nặng hoặc tử vong vì Covid-19.
"Thử thách vô cùng to lớn. Với mật độ dân số cao và số ca nhiễm thấp hiện nay, thuốc trị Covid-19 càng quan trọng đối với Trung Quốc để quay lại cuộc sống bình thường", Tong đánh giá.
Ánh Ngọc (Theo Bloomberg)