"Tâm trạng của tác giả bài viết 'Con trai có suy nghĩ không cần học cấp ba' có lẽ là cảm nhận chung của các bậc cha mẹ khi có con ở tuổi 'ẩm ương'. Hồi xưa, con gái tôi cũng vậy, cũng dẫn chứng rất nhiều người giàu mà không cần học, và nói với tôi rằng 'con không muốn học, chỉ có ba mẹ thích chứ con không thích'.
Lúc đó, tôi chỉ im lặng, đến kêu con lại và hỏi 'bây giờ con thích làm nghề gì?'. Con nói muốn làm cô giáo mầm non, hoặc giáo viên dạy cấp một, hai. Vợ chồng tôi đồng ý, nói với con: 'Vậy con cứ học giỏi để thi tốt nghiệp lớp 9 đi (lúc đó bé học lớp 8), sau đó mẹ sẽ làm hồ sơ cho con thi vào trường con muốn.
Nói là làm, vợ chồng tôi xin cho con phụ việc ở một trường mầm non, nhiệm vụ chăm sóc và cho các bé ăn. Sau một tháng, tôi xin cho con vào trường tiểu học. Cả hai trường, tôi đều có người quen để gửi gắm. Đồng ý và đồng hành với ước mơ của con là điều vợ chồng tôi luôn thống nhất. Thế nhưng chỉ sau ba tháng trải nghiệm, mọi tư tưởng và ý nghĩ ban đầu của con đều tiêu tan. Bây giờ, con tôi đã sắp làm sinh viên, vẫn bảo với mẹ rằng 'sao hồi đó con trẻ trâu thế?'.
Vì vậy, cha mẹ đừng bao giờ cản bước giấc mơ của tuổi mới lớn, dù biết chúng rất bồng bột và ngây thơ. Càng ép con lại càng làm, với tuổi trẻ, sức khỏe và suy nghĩ nông cạn của trẻ thì điều đó sẽ chỉ có hại. Thay vào đó, các ba mẹ hãy đồng hành và yêu thương con bằng cách giúp chúng nhận ra những sai lầm đầu đời. Đừng chỉ cấm đoán mà chúng ta hãy nới lỏng cho con phát triển tự nhiên, rồi chỉ ra nhưng sai lầm, thiếu sót, từ đó con mới học được nhiều điều giá trị".
Đó là chia sẻ của độc giả Vũ Tuyền về cách khiến con từ bỏ ý định "bỏ học để làm giàu". Ngày nay, có nhiều câu chuyện về những nhà tỷ phú bỏ học hay không cần bằng cấp mà vẫn thành công, nên khi làn sóng khởi nghiệp đang ngày một dâng cao, nhiều bạn trẻ cũng ấp ủ mộng làm giàu, chấp nhận bỏ học để đi theo tiếng gọi của đam mê. Để rồi, không ít trong số đó nhanh chóng thất bại và nhận ra sai lầm của mình.
>> Có nhà Sài Gòn nhờ không bỏ học
Cũng có con mang tư tưởng "bỏ học làm giàu", bạn đọc Đông Đoàn Văn chia sẻ câu chuyện giúp con không đi chệch hướng: "Đây là câu chuyện của tôi cách đây tám năm. Con tôi khi đó đang học lớp 9, cũng có nguyện vọng không muốn đi học tiếp. Tôi to nhỏ, tâm sự với con và nói thẳng vấn đề cho con thấy: 'Học chưa chắc hơn ai nhưng không học chắc chắn là thua". Tôi lấy nhiều dẫn chứng cho con tin và hiểu. Sau khi được đả thông tư tưởng, con lại xin ba mẹ cho tiếp tục thi vào trường chuyên. Năm ấy, con đỗ vào trường chuyên của thành phố.
Đến năm 12, điệp khúc 'không muốn học' lại lặp lại khi con không chịu thi Đại học, trong khi điểm trung bình các môn là 9,3. Tôi lại trải qua một thời gian mất ăn, mất ngủ. Để rồi cánh cửa giải thoát lại mở ra với tôi nhờ chính những câu nói cũ. Tôi giải thích cho con về chuyện nghỉ việc, nhảy việc hay khi công ty bị phá sản, mình phải xin việc khác thì tấm bằng chính là thứ đánh giá tư cách ban đầu của bản thân... Rồi cuối cùng, con cũng thông và thi đỗ vào Đại học Đà Nẵng khoa Công nghệ thông tin.
Tôi kể ra câu chuyện của mình không phải để khoe mà để các bạn thấy, nuôi dạy những đứa trẻ cá tính không hề đơn giản. Bản thân tôi luôn cố gắng mềm dẻo và lựa lời đúng lúc. Hãy bảo con lập ra một kế hoạch cho tương lai khi không học nữa, đồng thời đặt ra cho con các câu hỏi thật thiết thực khi công việc diễn ra không nhưng mong đợi, từ đó cho con thấy cuộc sống không phải toàn màu hồng như tưởng tượng. Nên nhớ rằng, tuổi mới lớn luôn muốn thể hiện mình, cha mẹ đừng vội phản đối, phủ nhận mà làm con cái tổn thương. Điều đó chỉ khiến con càng quyết tâm làm theo ý mình hơn".
Đồng quan điểm, độc giả Alexaplayshallow cho rằng: "Nếu ngay từ đầu, cha mẹ đã tiếp cận với tư thế 'vạch đường hướng để con thoát khỏi suy nghĩ lệch lạc', thì cách mà con hiểu vấn đề sẽ là người lớn chỉ đang cố phủ nhận ý kiến và sở thích của chúng mà thôi. Trẻ sẽ cho rằng cha mẹ đang không lắng nghe ý kiến của chúng. Và kết quả, đứa trẻ sẽ không thể hiểu được sự "lệch lạc" trong suy nghĩ của mình, thậm chí càng muốn chứng tỏ mình đúng, dẫn tới những hành động liều lĩnh hơn. Kèm theo đó, con sẽ cảm thấy bớt tin tưởng và không chia sẻ với cha mẹ.
Thay vào đó, cha mẹ hãy thử tìm ra một hướng đi ở giữa lập trường của hai bên. Hãy cho con thấy cha mẹ luôn lắng nghe, tin tưởng và tôn trọng chúng, sẵn sàng đồng hành với con nhưng với điều kiện con phải đáp ứng đủ những yêu cầu tối thiểu của cha mẹ. Chuyện này hoàn toàn có thể giải quyết được theo hướng cha mẹ và con cùng nhau tìm hướng đi đúng đắn, phù hợp nhất, thay vì bắt con phải từ bỏ hướng đi của mình một cách vô điều kiện, để đi theo kỳ vọng của cha mẹ".
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.