"Tôi có người bạn cũng được xem là thân. Hồi sinh viên, năm 2008, bạn nợ tiền vay 'nóng' nên cần tôi giúp. Hồi đó là sinh viên nghèo nên tôi làm gì có tiền, nhưng vẫn cố gửi cho bạn 500.000 đồng, bằng nửa tiền ăn học một tháng mà gia đình chu cấp. Rồi cũng bẵng đi vài năm tôi không thấy bạn trả lại. Sau khi ra trường, đi làm, có tiền, tôi cũng không còn quan trọng số tiền đó nữa. Bạn vẫn chơi với tôi như bình thường, và tôi vẫn coi là bạn thân.
Cách đây 5 năm, bạn nói mẹ bạn phải mổ tim, cần tiền gấp nên nhờ tôi giúp. Tôi cũng nghĩ bụng, chẳng lẽ bạn khó khăn, mẹ bạn nằm viện mà mình lại không giúp. Vậy là tôi cho bạn vay 7 triệu đồng, bằng hai phần ba tháng lương của tôi. Tôi tính cho bạn vay khoảng ba năm, nếu bạn không trả thì tôi sẽ đòi.
Thế nhưng, ba năm trôi qua, tôi vẫn không thấy bạn đả động gì đến chuyện trả nợ. Sợ bạn quên, tôi cũng nhắc đòi nợ mấy lần, bạn cũng hứa hẹn sẽ sắp xếp trả sớm. Ấy vậy mà thêm hai năm nữa trôi qua bạn vẫn chưa sắp xếp xong. Lần gần nhất tôi nhắn đòi nợ, bạn chỉ xem chứ không nói gì. Có lẽ bạn nghĩ chỉ có bạn là khó khăn còn tôi thì dễ dàng. 'Tắm hai lần trên một dòng sông' mang tên bạn thân, tôi cũng thấy đắng nghẹn".
Đó là chia sẻ của độc giả Capuchino Nguyễn sau bài viết "Bạn thân khó chịu khi tôi đòi nợ 10 triệu suốt 5 năm". Theo đó, tác giả Quốc Khánh kể về việc bạn thân vay 10 triệu đồng nhưng năm lần bảy lượt tìm cách trốn trả nợ, thậm chí dùng lời lẽ khó nghe khi bị đòi nợ liên tục. Thực tế, nhiều người từng rơi vào thế khó xử khi bạn bè, đồng nghiệp hay người thân trong gia đình hỏi vay tiền. 'Không cho vay tiền thì mất bạn, cho vay mất cả bạn cả tiền', là chuyện không của riêng ai.
Cũng ở vào tính thế 'tiến thoái lưỡng nan' khi bạn thân vay tiền nhưng không trả, bạn đọc Manh Trieu bức xúc: "Bạn thân mượn tôi 10 triệu đồng trước Tết Nguyên đán cách đây gần hai năm với lý do chuẩn bị sắm Tết, hứa qua tết trả. Nhưng tới giờ tôi vẫn không thấy bạn chủ động liên lạc gì? Tôi có gọi điện và nhắn tin vài lần để hỏi thì bạn xin khất lần khất lượt. Gần đây, bạn còn không trả lời tin nhắn nữa, tôi gọi thì báo thuê bao. Tôi xác định mất luôn số tiền đó và tình nghĩa bạn bè cũng hết. Quả là tôi chơi với bạn hết mình còn bạn chơi lại tôi hết hồn".
>> Cả gia đình nói tôi ích kỷ vì không cho chị gái vay tiền mua nhà
Nhiều lần là nạn nhân mất tiền sau khi cho người thân, bạn bè mượn tiền, độc giả Linh Minh Phạm bình luận: "Có vài người em họ của tôi cũng vay tiền mà không trả. Em họ của chồng tôi vay 35 triệu đồng nhưng tính ra đến 8,5 năm mới trả. Trước khi đòi được nợ, tôi cũng phải đi đòi không biết bao nhiêu lần, còn em khất hết lần này đến lần khác. Giờ đây, ba mẹ em còn giận ngược lại tôi vì anh chị đi đòi tiền em.
Còn mấy người em họ của tôi cũng chẳng khá hơn: người vay 3 triệu, người mượn 5 triệu, 10 triệu rồi cũng im bặt. Tôi xác định cho luôn và không bao giờ có lần thứ hai. Tôi cũng có vài lần mượn bạn bè 100, 200 triệu đồng vì cần gấp. Nhưng tôi xác định có khoản tiền sắp vào tài khoản thì mới dám đi mượn người khác. Tôi hẹn một tháng thì đúng một tháng sau sẽ trả. Sống với nhau để mất niềm tin thì chẳng ai chơi được".
Làm gì để không rơi vào tình thế mất cả tiền lẫn tình cảm sau khi cho vay? Độc giả Nhatkycuame nêu quan điểm: "Tôi ít khi cho ai vay. Mỗi khi cho vay, tôi xác định là có thể mất luôn số tiền đó, nhưng những người vay tôi luôn trả nợ đúng hạn. Để được như vậy, tôi luôn hỏi rõ ràng họ trước khi đưa tiền: "Vay với mục đích gì? Khi nào trả và lấy từ nguồn nào? Nếu không trả được thì sao?".
Còn chồng tôi lại hay cho người khác vay tiền, có người 20 triệu, có người 10 triệu. Nhưng ai hỏi vay là chồng chuyển tiền cho họ ngay tức thì, không bao giờ đặt một câu hỏi. Kết quả, phần lớn trong số đó đều không tự động trả nợ. Cá biệt, một số người khi bị hỏi còn chặn luôn số liên lạc của chồng tôi hoặc hứa hẹn ít nhất năm lần vẫn không trả. Đấy là sự khác biệt".
Bạn cho vay, đòi nợ như thế nào? Chia sẻ câu chuyện cho vay của bạn tại đây.
- Đứng cho vay, quỳ đòi nợ
- Tôi thà mất tình cảm chứ quyết không cho vay tiền
- Ôm cục nợ vì cho 'chị đồng nghiệp thân thiết' vay tiền
- 'Trí tuệ' khi cho vay tiền
- 'Cho vay 1/4 tiền để không phải lo đòi nợ'
- Ba lần mang tiếng vì cho vay tiền