Chiều 6/12, sau hai tuần xét xử và nghị án kéo dài, HĐXX tuyên hai bị cáo phạm tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 224 Bộ luật Hình sự.
Ông Hùng bị xác định có hành vi đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại với số tiền lớn. Quá trình điều tra, ông Hùng "khai báo quanh co, luôn đổ lỗi, đổ trách nhiệm cho cấp trên, cấp dưới". Song tại phiên toà, bị cáo thành khẩn.
34 bị cáo còn lại nhận hình phạt từ 2 năm tù treo đến 8 năm 6 tháng tù, trong số này 10 người hưởng án treo. Riêng bị cáo người Nhật từng tham gia nhiều dự án trọng điểm tại Việt Nam, do tuổi cao, thành khẩn khai báo, không có động cơ vụ lợi, thành khẩn nhận tội, HĐXX miễn trách nhiệm hình sự và yêu cầu trục xuất theo đường ngoại giao.
HĐXX không yêu cầu 36 bị cáo bồi thường cho VEC và dành quyền khởi kiện các nhà thầu đòi bồi thường thiệt hại trong một phiên toà dân sự khác. Các nhà thầu tại dự án cũng nhất trí với quan điểm trên.
HĐXX lý giải theo quy định của pháp luật và điều khoản hợp đồng, các nhà thầu có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp chất lượng công trình không đạt theo yêu cầu của hợp đồng. Do đó, việc VEC yêu cầu các nhà thầu liên đới bồi thường thiệt hại, chứ không phải 36 bị cáo, là có căn cứ.
Phiên tòa khai mạc hôm 23/11, dự kiến kéo dài một tháng song đã kết thúc sớm hơn. Hai cựu phó tổng VEC và 34 người bị xét xử về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 224 Bộ luật Hình sự.
Trong nhiều ngày trả lời thẩm vấn, các bị cáo phần lớn thừa nhận hành vi, song cho rằng chỉ phải chịu "trách nhiệm gián tiếp" với việc công trình hư hại nghiêm trọng; bên chủ đầu tư VEC và Ban quản lý đổ lỗi cho các nhà thầu, tư vấn giám sát và ngược lại.
Nhiều bị cáo không đồng ý về kết luận giám định cho rằng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi "hư hỏng nghiêm trọng" vì các báo cáo nghiệm thu đều cho thấy đánh giá cao tốc đạt chất lượng đưa vào sử dụng.
Giám định viên được HĐXX triệu tập, thuộc Phân viện phía Nam Viện Khoa học Công nghệ giao thông vận tải khẳng định việc lấy mẫu dựa trên xác suất ngẫu nhiên, quá trình giám định "khách quan, độc lập, đảm bảo đúng pháp luật".
Đại diện VEC cho rằng 380 điểm hư hỏng của cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mang tính chất "cục bộ", thực tế đã thu phí hơn 1.400 tỷ đồng, giúp phát triển kinh tế miền Trung. Phía VEC cũng xin giảm án và không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường thiệt hại bởi họ không phải những chủ thể ký kết hợp đồng với chủ đầu tư.
Trước đó, trong lời nói sau cùng, ông Hùng và 35 đồng phạm khẳng định không có động cơ vụ lợi, nhận ra sai phạm nên "vô cùng đau xót, ăn năn, hối lỗi".
"Chúng tôi lựa chọn làm việc trong ngành cầu đường. 25 năm trải qua nhiều vị trí công tác, nó đã không còn là mưu sinh, mà còn là đam mê, yêu nghề". Ông cho rằng sai phạm tại dự án trọng điểm quốc gia, là "sự cố ngoài ý muốn", dù cùng đồng nghiệp nỗ lực rất nhiều nhưng vẫn không thể tránh khỏi sai sót.
Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 139 km, từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Quảng Ngãi, khởi công ngày 19/5/2013. Giai đoạn I dài 65 km, từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Dự án sử dụng nguồn vốn vay của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA, vốn vay Ngân hàng Thế giới - WB và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, tổng hơn 34.000 tỷ đồng.
Kết luận giám định cho thấy, 65 km đường cao tốc thuộc giai đoạn I không đảm bảo chất lượng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế, gây thiệt hại 811 tỷ đồng. Đây là giá trị các hạng mục công trình không đảm bảo chất lượng tại các gói thầu, nhưng đã được chủ đầu tư và các đơn vị liên quan nghiệm thu, thanh toán.
Phiên toà do thẩm phán Vũ Quang Huy làm chủ toạ, hơn 60 luật sư và gần 50 người liên quan được triệu tập.
Thanh Lam