Sau 10 ngày xét xử, hôm nay, 36 bị cáo trong vụ án cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi nói lời sau cùng trước khi toà nghị án kéo dài.
Là người đầu tiên đứng lên bục bị cáo, cựu phó Tổng giám đốc công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận quá trình xét xử đã hiểu ra sai phạm nên "vô cùng đau xót, ăn năn, hối lỗi".
"Chúng tôi lựa chọn làm việc trong ngành cầu đường. 25 năm trải qua nhiều vị trí công tác, nó đã không còn là mưu sinh, mà còn là đam mê, yêu nghề. Chúng tôi sẵn sàng xách ba lô lên và đi đến những vùng đất mới, hân hoan khi những cây cầu và con đường mình xây dựng đưa vào sử dụng và đóng góp vào sự phát triển của nơi này và cả đất nước.
Ông Hùng cho sai phạm tại dự án trọng điểm quốc gia, là "sự cố ngoài ý muốn", dù cùng đồng nghiệp nỗ lực rất nhiều nhưng vẫn không thể tránh khỏi sai sót. Cựu phó tổng giám đốc VEC cam đoan không vụ lợi và xin giảm án cho 35 đồng phạm, đều là những người có đóng góp cho ngành giao thông.
Trong khi đó, người kế nhiệm của ông Hùng tại VEC, ông Nguyễn Quang Hào nói chỉ "vô tình phạm tội vì kiến thức còn nông cạn". Ông tưởng rằng người nào trực tiếp gây thiệt hại mới phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Các bị cáo còn lại đều thừa nhận sai phạm, nói đã cống hiến tận tâm cho dự án, sai phạm gián tiếp, không tư lợi. Ông Hoàng Việt Hưng, cựu giám đốc Ban quản lý dự án, nói đã truyền đạt cho đồng nghiệm, "rút kinh nghiệm để sau này không vi phạm tương tự".
Hai cựu lãnh đạo VEC cùng 34 đồng phạm bị VKS xác định phạm tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 224 Bộ luật Hình sự. Trong phiên toà ngày 29/11, ông Hùng và ông Hào bị VKS đề nghị mức án 6- 8 năm.
Hành vi của ông Hùng được VKS đánh giá đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại với số tiền lớn. Quá trình điều tra, ông Hùng "khai báo quanh co, luôn đổ lỗi, đổ trách nhiệm cho cấp trên, cấp dưới". Song tại phiên toà, bị cáo đã thành khẩn.
Trong vụ án, ông Hùng bị cáo buộc không có hồ sơ chấp thuận vật liệu nguồn; không chỉ đạo thay thế vật liệu kém chất lượng dù đã có khuyến cáo của Bộ Giao thông Vận tải; không có giải pháp kiểm soát chất lượng xây dựng; chất lượng công trình không đảm bảo nhưng đã ký các hồ sơ thanh toán... Hành vi của ông gây thiệt hại hơn 422 tỷ đồng.
VKS kiến nghị HĐXX không yêu cầu 36 bị cáo bồi thường cho VEC và dành quyền khởi kiện các nhà thầu đòi bồi thường thiệt hại trong một phiên toà dân sự khác. Các nhà thầu tại dự án cũng nhất trí với quan điểm trên.
Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 139 km, từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Quảng Ngãi, khởi công ngày 19/5/2013. Giai đoạn I dài 65 km, từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Dự án sử dụng nguồn vốn vay của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA, vốn vay Ngân hàng Thế giới - WB và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, tổng hơn 34.000 tỷ đồng.
Kết luận giám định cho thấy, 65 km đường cao tốc thuộc giai đoạn I không đảm bảo chất lượng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế, gây thiệt hại 811 tỷ đồng. Đây là giá trị các hạng mục công trình không đảm bảo chất lượng tại các gói thầu, nhưng đã được chủ đầu tư và các đơn vị liên quan nghiệm thu, thanh toán.
Phiên toà do thẩm phán Vũ Quang Huy làm chủ toạ, hơn 60 luật sư và gần 50 người liên quan được triệu tập, khai mạc hôm 23/11, dự kiến diễn ra một tháng.
Tòa tuyên án 14h ngày 6/12.
Thanh Lam