Trong bản luận tội nêu sáng nay tại TAND Hà Nội, VKS nêu "dành quyền khởi kiện yêu cầu các nhà thầu bồi thường dân sự cho VEC trong vụ án khác".
Sau một tuần xét xử, VKS đề nghị tuyên phạt ông Nguyễn Mạnh Hùng, cựu phó tổng giám đốc VEC, mức án 7-8 năm tù. Đồng cấp với ông Hùng, bị cáo Nguyễn Mạnh Hào bị đề nghị 6-7 năm.
Hai cựu lãnh đạo VEC cùng 34 đồng phạm bị VKS xác định phạm tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 224 Bộ luật Hình sự.
VKS đánh giá hành vi của ông Hùng thuộc trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại với số tiền lớn. Quá trình điều tra, ông Hùng "khai báo quanh co, luôn đổ lỗi, đổ trách nhiệm cho cấp trên, cấp dưới". Song tại phiên toà, bị cáo đã thành khẩn.
Trong vụ án, ông Hùng bị cáo buộc không có hồ sơ chấp thuận vật liệu nguồn; không chỉ đạo thay thế vật liệu kém chất lượng dù đã có khuyến cáo của Bộ Giao thông Vận tải; không có giải pháp kiểm soát chất lượng xây dựng; chất lượng công trình không đảm bảo nhưng đã ký các hồ sơ thanh toán... Hành vi của ông gây thiệt hại hơn 422 tỷ đồng.
Với ông Hào, nhà chức trách cáo buộc không tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án; cho tổ chức thi công các hạng mục nhưng không có giải pháp kiểm tra, kiểm soát chất lượng, không có hồ sơ nghiệm thu... Hành vi của ông thiệt hại hơn 389 tỷ đồng.
Quá trình trả lời xét hỏi những ngày qua, phần lớn bị cáo thừa nhận hành vi song cho rằng sai phạm "chịu các yếu tố khách quan". Nhiều bị cáo không đồng ý về kết luận giám định cho rằng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi "hư hỏng nghiêm trọng".
Được HĐXX triệu tập, giám định viên thuộc Phân viện phía Nam Viện Khoa học Công nghệ giao thông vận tải, phản bác ý kiến của các bị cáo và luật sư cho rằng "chọn vị trí xấu" để lấy mẫu. Theo ông, việc lấy mẫu dựa trên xác suất ngẫu nhiên, thậm chí "chỗ nào hư còn né ra". Quá trình giám định "khách quan, độc lập, đảm bảo đúng pháp luật".
Giám định viên dẫn kết luận kiểm tra cả tuyến cho thấy độ dính bám của vật liệu không phát huy, nhựa không bám dính vào đá, tại một số vị trí, vật liệu bị nứt vỡ. Những thông số, kết quả thí nghiệm đã loại trừ ảnh hưởng của thời gian sau khi tuyến đường thông xe. "Các bị cáo yên tâm, chúng tôi không bao giờ hại ai", vị này nói.
Nhóm bị cáo thuộc chủ đầu tư VEC, các đơn vị nhà thầu và ban quản lý dự án nhiều lần đổ lỗi qua lại, cho rằng chỉ chịu trách nhiệm gián tiếp. Việc bị quy kết trách nhiệm liên đới hàng trăm tỷ đồng là "quá nặng".
Với cáo buộc chấp thuận vật liệu nguồn đá dăm không đạt chất lượng tại 5 mỏ đá đã bị Bộ Giao thông Vận tải khuyến cáo, các bị cáo khai "đã nhận ra vấn đề ngay từ đầu, nhưng khi báo cáo, giám định viên nước ngoài không có phản hồi gì mà vẫn chấp nhận.
Đại diện nguyên đơn dân sự, VEC, cho rằng 380 điểm hư hỏng của cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mang tính chất "cục bộ", thực tế đã thu phí hơn 1.400 tỷ đồng, giúp phát triển kinh tế miền Trung.
Vị này xin giảm án cho các bị cáo, không yêu cầu bồi thường, song đề nghị xem xét lại phần thiệt hại, cho rằng lớn hơn con số 811 tỷ đồng cáo trạng xác định.
Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 139 km, từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Quảng Ngãi, khởi công ngày 19/5/2013. Giai đoạn I dài 65 km, từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Dự án sử dụng nguồn vốn vay của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA, vốn vay Ngân hàng Thế giới - WB và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, tổng hơn 34.000 tỷ đồng.
Kết luận giám định cho thấy, 65 km đường cao tốc thuộc giai đoạn I không đảm bảo chất lượng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế, gây thiệt hại 811 tỷ đồng. Đây là giá trị các hạng mục công trình không đảm bảo chất lượng tại các gói thầu, nhưng đã được chủ đầu tư và các đơn vị liên quan nghiệm thu, thanh toán.
Phiên toà do thẩm phán Vũ Quang Huy làm chủ toạ, hơn 60 luật sư và gần 50 người liên quan được triệu tập, khai mạc hôm 23/11, dự kiến diễn ra một tháng.
>> Mức án VKS nêu với 36 bị cáo
Thanh Lam