Bị cáo cho rằng, trách nhiệm phải thuộc về "của Ban quản lý dự án và tư vấn giám sát". Ông Hùng là một trong những người đầu tiên trả lời thẩm vấn vào cuối phiên làm việc buổi chiều nay, sau 5 tiếng HĐXX nghe công bố cáo trạng, tại TAND Hà Nội.
VKS cáo buộc một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến hư hỏng của dự án cao tốc cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, là chất lượng đá dăm được sử dụng làm vật liệu rải mặt đường không đạt yêu cầu, còn nhiều vật chất tạp, không đảm bảo kết dính. Trong việc này, ông Hùng không có biện pháp chỉ đạo cụ thể để từ chối sử dụng đá tại các mỏ không đạt chất lượng, dù đã có văn bản kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải. Ông Hùng và phải chịu trách nhiệm với số tiền thiệt hại hơn 422 tỷ đồng.
Phản đối nội dung này, cựu Phó tổng giám đốc VEC cho rằng việc đảm bảo chất lượng của vật liệu thi công là trách nhiệm cả nhà thầu, không phải của chủ đầu tư.
"Vậy ông thấy sai phạm của mình là gì?", chủ tọa chất vấn. Ông Hùng trả lời chỉ chịu trách nhiệm gián tiếp, đôn đốc chỉ đạo Ban quản lý dự án. "Lỗi của bị cáo là dù đã cố gắng nhưng rất tiếc sai phạm vẫn xảy ra".
Là người kế nhiệm ông Hùng, cựu phó tổng giám đốc VEC thừa nhận cáo buộc, song từ tháng 4/2017 đến tháng 1/2018 "thực sự giật mình" khi nhận được bản giám định kết luận toàn tuyến cao tốc "hư hại nghiêm trọng". Trong khi giai đoạn ông phụ trách, dù trong thời gian ngắn, kết quả nghiệm thu, giám sát đều cho thấy "cao tốc đạt yêu cầu đưa vào sử dụng".
Là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở, ông Hào bị cáo buộc tiến hành nghiệm thu công trình, đưa vào sử dụng không đúng quy định của pháp luật trong khi còn tới 5 trong 7 gói thầu chưa hoàn thành thi công lớp bê tông nhựa tạo nhám.
Giải thích điều này, ông nói hợp đồng cho phép nghiệm thu từng phần nên ông chỉ đưa cao tốc vào "sử dụng tạm thời". Ông vẫn yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát chất lượng để tiến tới đưa vào sử dụng chính thức. Khi ông phụ trách, nền đường đã nghiệm thu xong và cũng chưa có hạng mục nào thi công tiếp. Vì thế, ông không chịu trách nhiệm nghiệm thu bất cứ phần nào của công trình.
HĐXX chất vấn sao khi phát hiện các hạng mục thi công mặt đường chưa đạt yêu cầu và chưa hoàn thành lại không làm báo cáo gửi hội đồng nghiệm thu nhà nước. Bị cáo Hào trả lời: "Trong mẫu báo cáo chỉ yêu cầu báo cáo các hạng mục hoàn thành nên những gì chưa hoàn thành thì bị cáo không báo cáo".
Trong khi đó, bị cáo Hoàng Việt Hưng, Giám đốc Ban Quản lý dự án, cho rằng: "Kết luận giám định có rất nhiều vấn đề". Nếu là đúng thì công trình đã tan nát không sử dụng được".
Theo ông, do đặc thù của công trình giao thông nên "không thể đảm bảo đường chỗ nào cũng như nhau". Do vậy, hợp đồng phải có các điều khoản cho phép nhà thầu sửa chữa khiếm khuyết công trình.
Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 139 km, từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi), khởi công ngày 19/5/2013. Giai đoạn I dài 65 km, từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), gồm có 8 gói thầu xây lắp chính, trong đó có 7 gói thầu thi công đường và một gói thầu chủ yếu thi công cầu.
Dự án sử dụng nguồn vốn vay của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA (đối với đoạn 1), vốn vay Ngân hàng Thế giới - WB (đối với đoạn 2) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, tổng hơn 34.000 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, chỉ sau 2 năm 1 tháng 5 ngày đưa vào sử dụng, đoạn đường 65 km đã xảy ra 380 điểm hỏng biểu hiện trên mặt đường bê tông nhựa. Kết luận giám định cho thấy, cả 7 gói thầu (phần đường) thuộc giai đoạn I không đảm bảo chất lượng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế...
Thiệt hại được xác định là giá trị các hạng mục công trình xây dựng không đảm bảo chất lượng tại các gói thầu, nhưng đã được Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan nghiệm thu, thanh toán hơn 811 tỷ đồng cho các nhà thầu.
Phiên tòa khai mạc 23/11 và dự kiến kéo dài trong một tháng.
Thanh Lam