Vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ vừa qua đặt ra nhiều vấn đề cho xã hội, như những vi phạm trong cấp phép xây dựng, cách phòng chống cháy nổ... Những chuyện này cũng đã được nói đi nói lại rất nhiều, không ít giải pháp đã được các chuyên gia, các nhà quản lý đưa ra, quan trọng là chúng ta thực hiện được đến đâu mà thôi. Thế nên, ở bài viết này, tôi sẽ không đề cập lại những chuyện này, mà xin được bàn về một vấn đề khác, đó là câu chuyện quy hoạch.
Bộ ba tác phẩm quan trọng nhất của nhà Tương lai học Alvin Toffler bao gồm: Cú sốc tương lai, Làn sóng thứ ba, Dịch chuyển quyền lực, được xuất bản từ những năm 1970 khiến tôi vẫn nhớ mãi dù đã đọc từ rất lâu. Trong đó, tôi đặc biệt ấn tượng với một điều mà tác giả viết, đại ý là: "Trước kia, sự phát triển thiên về sự tập trung: chẳng hạn như tập trung về thành phố, đô thị để sinh sống và làm việc. Ngày nay sự phát triển có thêm sự phân tán: không cần tập trung về thành phố, đô thị thì cũng có thể làm việc sinh sống".
Đối chiếu với tình hình hiện tại, chúng ta có thể thấy điều này vẫn rất đúng. Đặc biệt là khi đại dịch Covid – 19 bùng phát, chúng ta lại càng thấy được giá trị của nhận định này. Dự báo tương lai trên đây của Alvin Toffler và thực tế cuộc sống cũng đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách cần có những quy hoạch hợp lý. Chẳng hạn, dịch bệnh Covid – 19 cho thấy chuyện làm việc từ xa giờ đây là rất bình thường.
Qua Internet, một người ở Việt Nam cũng có thể làm công việc tại Mỹ, người ở các vùng quê cũng có thể làm công việc ở Hà Nội, Sài Gòn... Nếu không có xu hướng làm việc từ xa thì như quê tôi (một vùng quê ở Bắc Ninh, cách trung tâm thành phố 40 km, cách Hà Nội 50 km), người dân vẫn phải đi xe buýt xe cá nhân gần 100 km mỗi ngày để đi làm từ sáng sớm và trở về nhà lúc tối mịt.
>> Đưa xe máy, xe đạp điện ra khỏi chung cư mini nhưng đi đâu?
Người thân của tôi thừa sức mua nhà ở trung tâm thành phố Bắc Ninh, nhưng anh vẫn chọn sống ở quê, hàng ngày đi làm bằng xe cá nhân lên thành phố. Anh bảo: "Ở quê mình rộng rãi, thoáng mát, không ô nhiễm môi trường, cái gì cũng có, dân trí lại cao, muốn lên thành phố hay ra Hà Nội chỉ mất hơn một tiếng là đã có thể đến được rồi, vậy thì tội gì chọn cách sống ở nơi chật chội như vậy?".
Nhưng nước ta chưa có đủ cơ sở hạ tầng phát triển để người dân có thể đi làm việc hàng ngày mấy trăm km như ở Nhật Bản, Hàn Quốc hay Mỹ... Điều đó chỉ có thể khả thi khi chúng ta phát triển giao thông thuận tiện, khoa học, từ đó có thể xây dựng những khu đô thị vệ tinh, khu nhà ở xã hội xa trung tâm một chút cũng không sao.
Ngoài ra, việc chọn sống ở trung tâm để thuận tiện cho việc học tập, sinh sống cũng là nguyện vọng không sai, tuy nhiên nếu như nơi ở đó mà chật chội bí, bách, thậm chí là nguy hiểm thì liệu có nên đánh đổi không? Chắc chắn là chẳng thể nào đánh đổi được bởi vì "tính mạng con người là trên hết". Chọn sống ở xa trung tâm một chút nhưng nhà cửa rộng rãi, thoáng mát, an toàn thì cũng không phải là sự lựa chọn tồi, phải không?
Đối với những những thành phố lớn hiện đại như Hà Nội, TP HCM, đã đến lúc những khu dân cư có nhiều ngõ, hẻm nhỏ, không thuận tiện cho sinh hoạt, cứu nạn... cần được hạn chế cấp phép xây dựng, đồng thời chính quyền cũng cần tuyên truyền để những hộ dân sống ở đây hiến đất để mở rộng ngõ, hẻm. Một giải pháp khác là vận động người dân góp bất động sản để xây chung cư (với mật độ xây dựng thấp hơn 70% chẳng hạn, còn lại là xây đường sá, công viên...), rồi sau đó đưa hết những hộ dân này lên chung cư sinh sống. Đây là cách quy hoạch của các đô thị nổi tiếng của châu Âu.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.