"Ở Việt Nam, tiếng Anh bây giờ đã được dạy cho học sinh từ tiểu học rồi, gần như song song với tiếng mẹ đẻ. Chưa tốt nghiệp cấp ba mà nhiều bạn học sinh đã có đầy bằng cấp IELTS, TOEIC - những chứng chỉ vốn chỉ dành cho người đi làm. Thế nhưng tại sao người Việt vẫn không nói tiếng Anh tốt như một số nước trong khu vực? Phải chăng, chúng ta sai lầm khi coi Tiếng Anh chỉ là môn học, trong khi thực tế nó là một kỹ năng? Mà kỹ năng thì luyện tập thực tế càng nhiều mới càng nhuyễn, chứ không phải càng luyện bài thi nhiều là tốt được".
Đó là câu hỏi mà độc giả PLBN đặt ra về khả năng sử dụng tiếng Anh của người Việt sau nhiều năm dạy và học ngoại ngữ này. Mới đây, Bộ Chính trị đề nghị các cấp nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Cụ thể, ngôn ngữ thứ hai là ngôn ngữ một người có thể nói, sử dụng nhưng không phải là ngôn ngữ đầu tiên mà họ học một cách tự nhiên khi còn nhỏ. Khi trở thành ngôn ngữ thứ hai ở nhà trường, tiếng Anh có thể được sử dụng phổ biến trong tài liệu, giáo trình, giao tiếp, dạy học ở một số môn nhất định.
Đánh giá lý do khiến người Việt kém tiếng Anh, bạn đọc Lê Tùng nhận định: "Muốn giỏi thì phải nói tiếng Anh hàng ngày chứ nếu cứ dùng tiếng Việt là chủ yếu thì sẽ mãi chỉ là học chay mà thôi. Chúng ta cứ cho học sinh học lý thuyết, không chịu nói chuyện, giao tiếp hằng ngày thì đến bao giờ mới giỏi tiếng Anh được? Các học sinh trường quốc tế giỏi tiếng Anh cũng là vì ở trường toàn nói bằng tiếng Anh.
Nước nào cũng giảng dạy tiếng Anh từ nhỏ. Vấn đề là các nước khác coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai hoặc chính thức. Đó là cách Việt nam sắp tới tính làm nhưng thành công hay không thì khó nói trước. Nhiều nước bắt buộc sử dụng tiếng Anh ở môi trường làm việc. Còn ở Việt Nam, người ta có thể dùng tiếng Việt ở mọi nơi, nên tiếng Anh chỉ được học như ngôn ngữ phụ và không bị áp lực phải thông thạo.
Tiếng Anh muốn giỏi thì ngoài học lý thuyết trên lớp còn phải giao tiếp thường xuyên hàng ngày. Làm được vậy thì trình độ tiếng Anh của người Việt sẽ lên thôi. Còn cứ nói tiếng Việt là chủ yếu như bây giờ thì tiếng Anh không thể giỏi được. Ngôn ngữ là thứ phải thực hành mỗi ngày".
>> Tiếng Anh giúp tôi tăng lương từ 2 triệu đồng lên 1.000 USD
Hiện nhiều trường công lập ở Hà Nội, TP HCM, Bắc Giang, Quảng Ninh... đã dạy thử nghiệm Toán và Khoa học bằng tiếng Anh, chứ không chỉ coi đây là môn ngoại ngữ. Có thể thấy, các học sinh của những trường này sử dụng tiếng Anh một cách trôi chảy hơn nhiều các bạn bè học theo kiểu truyền thống.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo môi trường cho học sinh sử dụng tiếng Anh mỗi ngày, độc giả Duchieu bình luận: "Ở Việt Nam hiện nay, Tiếng Anh mới chỉ là một môn học được dạy ở nhà trường, nên kể cả những học sinh học tốt trên lớp thì cũng chỉ mới đạt chuẩn theo giáo trình, chứ ra đường hay về nhà học sinh có rất ít cơ hội nói tiếng Anh mỗi ngày.
Các nước lân cận Việt Nam như Philippines, Singapore, Malaysia... họ nói tiếng Anh rất tốt không hẳn là vì được học nhiều trên lớp, mà người ta coi đây như ngôn ngữ thứ hai từ nhiều năm nay. Qua nhiều thế hệ, bố mẹ, ông bà đều có thể nói được tiếng Anh, nên trẻ em không cần phải đến trường cũng vẫn có thể nói nói bồi kha khá.
Khi tôi đến chơi với gia đình họ, từ đứa bé chưa đi học chữ đã có thể giao tiếp với tôi bằng tiếng Anh, do bố mẹ nói chuyện với chúng hàng ngày (ở mức giao tiếp thông thường). Tôi đi chợ đêm, siêu thị cũng gặp rất nhiều bố mẹ mắng con nhỏ bằng tiếng Anh. Nên để người Việt nói tiếng Anh được nhuần nhuyễn thì còn phải mất thêm vài thế hệ nữa. Tôi không đổ lỗi cho giáo trình, năng khiếu ngoại ngữ, mà nó là văn hóa, là môi trường tiếp xúc với tiếng Anh. Nói chung, học phải đi đôi với hành thì ngôn ngữ nào cũng sẽ đơn giản mà thôi".
Đồng quan điểm, độc giả Kính Lúp bổ sung thêm: "Tư duy dịch ra tiếng Việt mọi chữ cũng khiến cho học sinh Việt bị bó cứng, mất phản xạ tự nhiên thay vì chỉ dùng tiếng Anh. Ví dụ, thông thường các giáo viên luôn dạy theo kiểu: 'One là một, two là hai, hello là xin chào...'. Điều đó dẫn tới khi nhìn thấy một từ tiếng Anh nào đó, học sinh Việt luôn cố dịch nghĩa ra tiếng Việt để hiểu. Sau đó, các em lại dùng tiếng Việt để trả lời, rối mới dịch ngược ra tiếng Anh.
Nếu chúng ta dạy học sinh phản xạ bằng chính tiếng Anh thì mới thực sự là học ngoại ngữ. Ví dụ, nhìn thấy số một, học sinh phải ngay lập tức liên tưởng tới từ 'one' chứ không phải dịch qua dịch lại. Cũng như trẻ em lúc tập nói, chúng ta chỉ vào bố mẹ và nói 'bố, mẹ' thì hai từ đó luôn gắn liền với hình ảnh trong đầu của đứa bé, từ đó hình thành phản xạ tự nhiên".
- 'Ép con phải đạt 8.0 IELTS trong hai năm dù tiếng Anh bập bẹ'
- Tôi cho con học hai ngoại ngữ một lúc ngay từ 7 tuổi
- Luật sư 15 năm kinh nghiệm vẫn thất nghiệp vì kém tiếng Anh
- Không lo thất nghiệp nếu giỏi tiếng Anh
- Những sinh viên ngành ngôn ngữ nhưng kém ngoại ngữ vì xét tuyển học bạ
- 'Không cần bắt buộc thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh'