Cuộc chiến ở Ukraine đã bước sang năm thứ hai và chưa có dấu hiệu kết thúc. Những cuộc giao tranh đẫm máu đã gây thiệt hại nặng nề cho cả hai bên tham chiến, nhưng đồng thời thúc đẩy hoạt động buôn bán vũ khí trên toàn cầu, khi nhiều nước tăng nhu cầu vũ trang để đề phòng xung đột.
Xu hướng đó được thể hiện rõ tháng trước tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế (IDEX), hội chợ vũ khí được tổ chức hai năm một lần tại Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Ban tổ chức cho biết IDEX 2023 là sự kiện lớn nhất trong 30 năm qua, với sự góp mặt của 1.350 công ty quốc phòng, 350 phái đoàn và khoảng 130.000 người tham dự tới từ 65 quốc gia. Họ mang đến trung tâm triển lãm quốc gia Abu Dhabi đủ loại vũ khí, từ xe bọc thép, chiến đấu cơ cho đến máy bay không người lái (UAV).
Triển lãm diễn ra trong bối cảnh các nước châu Âu đang tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng, khi tìm cách vừa duy trì nguồn dự trữ trong nước, vừa không ngừng hỗ trợ vũ khí cho Ukraine. Chính phủ Đức cũng đã cam kết chi hơn 100 tỷ USD để củng cố lực lượng vũ trang nước này sau nhiều năm cắt giảm ngân sách quốc phòng.
Ở châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tăng cường chi tiêu quân sự để đối phó với các mối đe dọa an ninh trong khu vực. Trung Quốc gần đây thông báo ngân sách cho các hoạt động quân sự trong năm 2023 là hơn 1,5 nghìn tỷ tệ (gần 225 tỷ USD), tăng 7,2% so với năm trước.
Điều này đảo ngược xu hướng trước xung đột Ukraine, khi các nước dồn tiền cho bảo vệ môi trường, phát triển xã hội và kinh tế, thay vì thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng, theo Kevin Craven, người đứng đầu ADS Group, tổ chức thương mại đại diện cho các công ty hàng không vũ trụ, quốc phòng, an ninh và vũ trụ của Anh.
"Trong một năm xung đột Nga - Ukraine nổ ra, các nước chợt nhận ra rằng nhiệm vụ đầu tiên của họ là bảo vệ người dân và nền chính trị, điều đòi hỏi năng lực quân sự và công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ", Craven nói.
Ông thêm rằng sự hỗ trợ mạnh mẽ của Anh với Ukraine đã thúc đẩy mối quan tâm đến các mặt hàng vũ khí tiềm năng. Anh là quốc gia viện trợ quân sự cho Ukraine lớn thứ hai sau Mỹ, cung cấp tên lửa chống tăng, pháo, thiết giáp và xe tăng cho nước này.
Giới chức UAE nhấn mạnh triển lãm chỉ nhằm mục đích thương mại, không chứa đựng yếu tố địa chính trị. Tới thăm sự kiện, Quốc vương Mohammed bin Zayed al Nahyan nói IDEX cho thấy UAE hướng tới mục tiêu là "cầu nối liên lạc và hợp tác" để mang lại "hòa bình, ổn định và tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại".
Một dấu hiệu cho điều đó là mối quan hệ quân sự ngày càng chặt chẽ giữa UAE và Israel, quốc gia có không dưới 60 gian hàng tại triển lãm năm nay. Hai nước đã bắt tay hợp tác phát triển vũ khí sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ cách đây chưa đầy ba năm. Tại IDEX, tập đoàn quốc phòng Edge của UAE đã ra mắt xuồng không người lái mà họ hợp tác cùng với hãng sản xuất máy bay Aerospace Industries của Israel.
Cuộc chiến ở Ukraine đã khiến hợp tác quốc phòng giữa các nước với Nga trở nên khó khăn hơn do loạt lệnh trừng phạt của phương Tây. UAE, đồng minh hàng đầu của Mỹ trong khu vực, có nguy cơ vấp phản ứng dữ dội nếu tham gia các thỏa thuận quốc phòng với Nga.
Washington đã cử quan chức Bộ Tài chính đến UAE hồi tháng 1 để cảnh báo Abu Dhabi rằng Mỹ "sẽ tiếp tục thực thi các lệnh trừng phạt" đối với các cá nhân và tổ chức Nga, đồng thời cho biết các công ty vi phạm có thể mất khả năng tiếp cận thị trường Mỹ và châu Âu. Tháng trước, Washington áp lệnh trừng phạt ngân hàng Nga mới được UAE cấp phép hoạt động.
Bất chấp những lệnh trừng phạt quốc tế như vậy, các công ty quốc phòng hàng đầu Nga vẫn cử đại diện tới Abu Dhabi. Tuy nhiên, các gian hàng của họ được bố trí cách xa khu triển lãm của Ukraine và Mỹ.
Tại khu trưng bày của Nga, bốn nữ nhân viên mời khách tham quan xem các phiên bản máy bay trực thăng dân sự của nhà sản xuất Mil và Kamov. Cạnh đó là khu trưng bày dành riêng cho các công ty quốc phòng Nga như Kalashnikov, Rosoboronexport và Almaz-Antey, với hơn 200 mẫu vũ khí, thiết bị quân sự và đạn dược, trong đó có nhiều khí tài đang được triển khai ở Ukraine.
Hàng chục khách hàng tiềm năng ngắm nghía những hệ thống phóng hỏa tiễn Grad hay dạo quanh kệ chất đầy những loại vũ khí bộ binh mà Nga mang tới triển lãm.
"Chúng tôi có thể tự tin nói rằng vũ khí Nga vẫn được đánh giá cao và có nhu cầu lớn. Đó là lý do chúng tôi ở đây để duy trì quan hệ với các đối tác", Alexander Mikheev, giám đốc điều hành Rosoboronexport, cho hay.
Vũ khí được trưng bày tại IDEX cũng cho thấy cách xung đột Ukraine thúc đẩy các nước phát triển loạt UAV tự sát, loại vũ khí mang chất nổ có thể giám sát chiến trường từ trên cao rồi lao xuống tấn công mục tiêu. Trong những tháng gần đây, Nga đã triển khai nhiều UAV tự sát để tập kích lưới điện và cơ sở hạ tầng Ukraine.
"Toàn bộ dòng sản phẩm của tập đoàn chúng tôi đều đắt hàng, song ưu tiên hàng đầu hiện tại là UAV", Alan Lushnikov, chủ tịch tập đoàn Kalashnikov, nói và thêm rằng UAV tự sát KUB là sản phẩm bán chạy nhất của họ. "Số lượng đặt hàng đã tăng đáng kể".
Faisal Bannai, người đứng đầu tập đoàn Edge, cho biết xung đột Ukraine đã chứng minh tác chiến điện tử và các hệ thống tự động trở nên cần thiết thế nào với nhiều quốc gia. "Đây chính là thị trường tiềm năng, là tương lai của ngành công nghiệp vũ khí", Bannai nói.
Bahadir Ozer, giám đốc phát triển kinh doanh của nhà sản xuất UAV Thổ Nhĩ Kỳ Baykar, đồng tình rằng cuộc chiến ở Ukraine đã góp phần quảng bá các mặt hàng vũ khí trên toàn cầu.
Trước khi xung đột bắt đầu, công ty Baykar đã cung cấp cho Kiev một số UAV Bayraktar TB2, loại khí tài giá rẻ từng được triển khai hiệu quả trong các cuộc xung đột ở Libya hay Syria. Trong giai đoạn đầu chiến sự, Bayraktar TB2 được coi là loại vũ khí rất nguy hiểm đối với lực lượng tăng thiết giáp Nga ở Ukraine.
"Những chiếc TB2 đã phát huy hiệu quả trong thời gian dài, và giờ đây chúng tôi nhận được sự quan tâm từ phương Tây với sản phẩm này", Ozer nói, thêm rằng Ba Lan và 28 thành viên khác của NATO đã đặt mua TB2. "Chúng đã chứng minh được năng lực chiến đấu ở Ukraine và đó chính là điểm mấu chốt".
Các công ty Ukraine cũng tham dự sự kiện ở Abu Dhabi, bất chấp cuộc xung đột ở quê nhà. Stanislav Shyldskyi, giám đốc phát triển kinh doanh của nhà sản xuất UAV Ukrspec, cho biết hầu hết những gì các công ty Ukraine đang sản xuất đều phục vụ nhu cầu trong nước, song việc họ xuất hiện ở triển lãm vũ khí IDEX vẫn rất quan trọng.
"Đó là cơ hội tốt để chúng tôi cho thế giới thấy chúng tôi đang sống, làm việc và tạo ra những sản phẩm tuyệt vời. Cuộc chiến khiến mọi người biết về Ukraine. Đó không phải điều tốt nhất, nhưng họ đã quan tâm nhiều hơn", ông nói.
Cách không xa gian hàng của Ukraine, Belarus, đồng minh của Nga, có một khu trưng bày khá lớn ở triển lãm năm nay. Một đại diện của Belarus cho biết các lệnh trừng phạt không ảnh hưởng nhiều tới thương mại của họ.
"Sản phẩm của chúng tôi nhận được nhiều quan tâm hơn sau các lệnh trừng phạt. Nếu họ muốn trừng phạt bạn, điều đó chứng tỏ bạn rất mạnh", ông nói, thêm rằng các lệnh cấm chỉ gây khó khăn trong hai tháng đầu tiên sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra. "Chúng tôi dự đoán việc kinh doanh sẽ khó khăn hơn, nhưng khi khách hàng quan tâm, họ sẽ luôn có cách để duy trì hợp tác".
Thanh Tâm (Theo LA Times)