Tôi ở TP HCM, đang cảm thấy vô cùng lo lắng khi chứng kiến sự rung lắc dữ dội ở tòa nhà công ty vì do ảnh hưởng động đất ở Myanmar vào trưa 28/3. Thời điểm đó, nhiều người ở công ty tôi hốt hoảng chạy xuống mặt đất. Tôi cũng có mặt trong đám đông ấy. Đây cũng chính là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi ở trong dư chấn của một trận động đất kinh hoàng đến mức này.
Tôi vẫn còn nhớ, lúc đó là khoảng 13h20, khi đang ngồi làm việc, tôi bỗng nhiên cảm thấy chóng mặt, nghĩ rằng bản thân mình có vấn đề về huyết áp do thay đổi thời tiết. Khi nhìn ra ban công, tôi thấy các vật dụng treo trên cao bị rung lắc dữ dội. Sau khoảng một phút, tôi bắt đầu nhận ra sự bất thường. Lo lắng khi cả tòa nhà rung lắc, tôi vội vàng bỏ chạy ra đường và bất an không dám quay lại rất lâu sau sự việc.
Khoảnh khắc người dân TP HCM chạy khỏi tòa nhà rung lắc mạnh do động đất. Video: Minh Trịnh - Tuấn Việt - Huy Mạnh
Lướt mạng xã hội ngay sau khi ra khỏi tòa nhà, tôi thấy nhiều người ở TP HCM cũng chia sẻ về việc trải qua dư chấn của trận động đất. Đa phần đều cảm thấy lo sợ vì đang làm việc trong các tòa nhà cao tầng. Thực ra, rất nhiều người như tôi, chưa bao giờ trải qua một trận động đất mạnh nào, nên không có nhiều kiến thức cũng như kỹ năng xử lý khi sự việc bất ngờ xảy ra. Thế nên, hoảng hốt và lúng túng là điều dễ thấy.
>> Tôi không biết chạy đi đâu khi nhà cháy
TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung rất ít khi xảy ra động đất nên đa phần người dân thường thiếu đề phòng và ít kinh nghiệp ứng phó. Nhưng thực tế thời gian gần đây, ngày càng có nhiều vụ việc mà chúng ta bị ảnh hưởng do thiên tai động đất ở các nước lận cận trong khu vực. Dó đó, mỗi người cần có ý thức đề cao cảnh giác trước những sự cố bất ngờ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Trong vụ việc vừa rồi, điều đáng mừng mà tôi nhận thấy là những đồng nghiệp xung quanh mình và nhiều người ở các khu vực bị ảnh hưởng đều đã xử trí đúng đắn khi lập tức di chuyển ra khỏi tòa nhà văn phòng bằng đường thang bộ. Dù chưa có hậu quả đáng tiếc nào xảy ra nhưng tôi tin những phản ứng tự vệ đó là không thừa để bảo vệ tính mạng của mỗi người khi có thiên tai.
Các thành phố lớn của chúng ta ngày càng mọc lên nhiều tòa nhà văn phòng, chung cư cao tầng, nên ảnh hưởng từ những trận động đất chắc chắn sẽ ngày càng lớn hơn. Hy vọng trong thời gian tới, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương sẽ tích cực hơn trong việc phổ biến kiến thức cũng như diễn tập ứng phó với thiên tai, động đất để người dân cả nước có thêm kinh nghiệm, sẵn sàng xử lý khi sự cố xảy ra.
Động đất 7,7 độ xảy ra ngày 28/3 tại miền trung Myanmar, tâm chấn nằm cách thành phố Sagaing của Myanmar khoảng 16 km về phía tây bắc. Giới chức Myanmar cho biết ít nhất 694 người đã thiệt mạng và gần 1.700 người bị thương sau trận động đất. USGS ước tính có 35% khả năng số người thiệt mạng tại Myanmar là 10.000-100.000 và 36% là từ 100.000 trở lên.
Thu Sang
- Tôi dạy con kỹ năng sống từ ba tuổi
- Trẻ không học kỹ năng sống bằng cách tắm sông
- Sắm búa tạ để thoát thân khi cháy nhà
- Chữa cháy bằng phương pháp 'cơm sôi vung trào'
- 'Chuồng cọp' chống trộm trên tầng thượng bít đường sống khi cháy nhà