Gần đây thấy nhiều vụ cháy, thiệt hại cả về người và của nhưng chưa thấy cách phòng cháy nào thật sự đơn giản và hiệu quả, tôi lại nhớ tới kỷ niệm ngày xưa của mình. Hồi ấy, tôi còn nhỏ, thường hay phụ mẹ nấu cơm, nấu cám lợn... bằng bếp củi. Vì mải chơi nên cơm tôi nấu lúc khê lúc sống, nhưng cơm cháy thì hầu như không. Bởi, bếp củi có một hiện tượng "thần kỳ" đối với tôi lúc đó là "cơm sôi vung trào".
Đó là hiện tượng lúc nước trong nồi cơm sôi lên sẽ tạo ra các bọt bong bóng hơi nước, khi lửa cháy càng mạnh thì lớp bọt bong bóng này càng nhiều, áp lực nó tạo ra càng lớn. Khi áp lực tạo ra đủ mạnh nó sẽ đẩy cái vung đậy phía trên nồi cơm lệch sang một bên, bọt khí nước trong nồi trào ra qua thành nồi, rơi xuống ngọn lửa phía bên dưới và làm lửa tắt. Chính vì điều này mà cơm tôi nấu ít khi bị cháy.
Nay, tôi lại tự hỏi: "Sao mọi người không áp dụng hiện tượng trên vào phòng cháy, chữa cháy nhỉ?". Có cháy, có lửa, lửa mạnh thì nước tự động phun trào, nước phun trào thì lửa tự tắt. Kỹ thuật này cần một bể chứa nước trên tầng thượng, thứ mà hầu như nhà nào cũng có. Nước dẫn được xuống phòng tắm thì cũng sẽ dẫn được lên trần nhà, trần phòng phía dưới. Ống nước lại đa phần là ống nhựa, khi có lửa thì nhựa sẽ cháy, ống nhựa cháy thì nước bên trong sẽ phun trào, qua đó mà lửa sẽ được dập tắt.
Như vậy, chỉ cần một dàn ống nước gắn trần bằng nhựa nối thông nhau rồi nối với bể nước tầng thượng để cho nước luôn thường trực trong đó là xong. Tôi nghĩ chi phí làm cái này không quá đắt, cũng chẳng quá khó nên ai cũng có thể áp dụng được. Dập lửa, phương án hiệu quả nhất vẫn là nước, nước có thể không dập tắt được tức thì các nguồn cháy, song đa phần những thứ có thể cháy được như quần áo, giường tủ... gặp nước đều không cháy được.
>> Tôi tự tháo chuồng cọp chung cư để mở đường sống
Nước rất hữu dụng trong cả phòng cháy và chữa cháy. Có một số người cứ sợ dùng nước khi dập lửa vì sợ điện giật, song mọi người phải hiểu rằng, trong dây điện luôn luôn có một dây nóng và một dây mát, cháy dây điện là đã có chập điện rồi, khi có chập điện thì đa phần đã có hệ thống tự ngắt, nếu không ngắt thì nóng mát cũng tự trung hòa với nhau, nếu không trung hoà được thì khi bạn hắt nước vào dòng điện cũng sẽ theo dòng nước xuống trung hoà với mặt đất, nên chúng ta không cần phải sợ.
Với kỹ thuật phòng cháy này tôi chỉ sợ ống nước cháy kém, không thể phát huy hết hiệu quả, bởi đa phần hiện nay là nhựa tận dụng và nhà sản xuất hay pha thêm các chất khác vào nên có thể sẽ cháy kém. Nếu thị trường có một dòng nhựa chuyên dành cho việc phòng cháy, chữa cháy như thế này thì tốt biết mấy.
Càng tốt hơn nữa là khi các kỹ sư thiết kế xây dựng nhà thiết kế luôn phần trần chữa cháy và hộp phòng cháy. Riêng hộp phòng cháy vừa chứa bình cứu hỏa, vừa chứa hệ thống vòi dẫn nước để khi có cháy, mọi người có thể dùng bình hoặc dùng hệ thống vòi này để chữa cháy. Bởi bình chữa cháy khó dùng, rất nhiều người không biết và không thể sử dụng được nó.
Phòng hơn chống, sớm hơn muộn, ưu tiên sử dụng nguồn lực tại chỗ luôn là những yếu tố thành công trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Bản thân mỗi người hãy tự bảo vệ lấy mình, bảo vệ lấy gia đình mình và cộng đồng quanh mình. Đừng quá phụ thuộc vào lực lượng cứu hỏa bởi nước xa chưa chắc cứu được lửa gần. Nhưng nước gần mà không biết sử dụng thì cũng bằng không.
Khi có cháy dập lửa nhanh nhất có thể là yếu tố sống còn. Đừng để cái bếp cháy lan sang cái chăn, cái chăn cháy luôn cái giường, phòng này lan sang phòng khác... Càng nhiều vật bắt lửa thì khói độc tạo ra càng nhiều, nguy hiểm càng cao. Thay vì co ro sợ sệt hoặc quay lưng bỏ chạy, theo tôi cần chuẩn bị sẵn các phương án để chiến đấu với giặc lửa. Xét cho cùng, sức chiến đấu của mỗi người chính là cơ hội sống cho họ và gia đình khi ngọn lửa bùng lên.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.