Là giáo viên, tôi chưa từng nhận giáo viên là nghề cao quý, cũng không đòi hỏi lương phải cao. Nhưng tôi luôn mong muốn, thu nhập ít nhất phải đảm bảo được chi phí sinh hoạt cơ bản như ăn uống bình dân, giáo dục, y tế.
Tôi tính sơ nhé: Khoảng bốn triệu đồng (hai năm đầu đi dạy lương giáo viên chỉ tầm này, tuỳ theo vùng), chi cho các khoản:
- Tiền xăng 300 nghìn đồng một tháng nếu đi gần, đi xa một chút thì 500 nghìn đồng một tháng không đủ.
- Các quỹ ngoài trích 10,5% từ lương do kế toán trừ thì còn phải đóng thêm các khoản (đoàn phí, công đoàn, đảng phí, thăm ốm hiếu hỷ, ở cơ quan tôi là như thế, người đi sau phải theo người trước khó ý kiến lại; quỹ ủng hộ đủ các hội do công đoàn phát động) bình quân 500 nghìn đồng một tháng.
- Tính rẻ bình quân 200 nghìn đồng một người một tháng cho y tế.
- Thăm hỏi hiếu hỷ tại địa phương (ngoài đơn vị công tác) bình quân 500 nghìn đồng một tháng.
- Tài liệu tự bồi dưỡng 100 nghìn đồng một tháng.
- Tiền ăn, tiền điện 1,5 triệu đồng một tháng.
- Tiền trang phục hai mùa 100 nghìn đồng một tháng.
- Quà cho người thân 350 đồng một tháng.
Như vậy, tổng cộng chi tối thiểu 3,75 triệu đồng cho một người độc thân. Nếu hai vợ chồng trẻ cùng giáo viên môn phụ không thể dạy thêm, con nhỏ và chưa có nhà thì đây chính là lý do giáo viên lại than thở và nhiều người bỏ nghề.
Tôi thấy tồn tại một vấn đề đó là người trong ngành không lo giữ trong khi lại hỗ trợ sinh viên học sư phạm 3,6 triệu đồng (dù không phải sinh viên nào cũng được hỗ trợ). Nhưng mấu chốt là lương hấp dẫn thì mới thu hút học sinh chọn ngành chứ không phải hỗ trợ họ khi học.
Sau khi ra trường hai năm mà không làm trong đơn vị nhà nước sẽ phải hoàn trả số tiền đó, nhưng mà chỉ tiêu biên chế tăng có ăn thua gì so với số lượng sinh viên được đào tạo và hỗ trợ.
Thành ra sẽ có rất nhiều sinh viên sẽ khó xin được việc ở đơn vị công lập phải hoàn trả tiền hỗ trợ nhận khi còn là sinh viên. Điều đó vô tình tạo thêm áp lực tài chính cho các bạn ấy (lương bình quân làm trái ngành của ngành mầm non hoặc tư thục khoảng 8 triệu đối với ba năm đầu, vậy là không ăn không tiêu gần hai năm mới trả hết tiền hỗ trợ).
Không riêng mầm non, ở cấp tiểu học cũng chẳng mấy ai mặn mà, chỗ tôi tuyển biên chế số hồ sơ nộp vào luôn thấp hơn số chỉ tiêu, thiếu giáo viên rất nhiều.
Vũ Hoài
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.