Gần đây, dư luận chú ý nhiều đến chuyện một nữ sinh viên nhắn tin cho giảng viên của mình nhờ sửa điểm 9 thành điểm 8 để đúng với điểm thực của mình. Đa số các ý kiến bày tỏ sự ủng hộ trước sự thẳng thắng trong suy nghĩ của cô gái trẻ. Nhưng bản thân tôi lại chú ý đến một khía cạnh khác, đó là cách xưng hô của cô sinh viên với giảng viên của mình. Tôi tự hỏi tại sao một sinh viên lại xưng "con" với thầy giáo của mình. Tại sao không xưng "em" mà lại là "con"?
![Đoạn tin nhắn của nữ sinh viên với giảng viên của mình. Ảnh: Facebook](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2024/03/18/431937748-10225386427195297-55-3929-7958-1710750657.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=belW6abXYVP19gl3f1p5EA)
Đoạn tin nhắn của nữ sinh viên với giảng viên của mình. Ảnh: Facebook
Theo cách xưng hô tại những nền giáo dục phát triển trên thế giới như Mỹ chẳng hạn, sinh viên có thể xưng "tôi" với giảng viên. Trong khi ở Việt Nam, việc xưng "em"với thầy, cô giáo phổ biến hơn. Cách xưng hô này vừa thể hiện được tình cảm vừa phân định ranh giới giữa thầy và trò, giữa người truyền thụ và người tiếp nhận tri thức. Cách xưng hô này sẽ giúp việc giao tiếp dễ dàng hơn, không gây nên sự gượng gạo cho cả thầy và trò.
Xưa kia, học sinh xưng "em" với thầy cô, nghe rất tình cảm, lại thể hiện sự tôn trọng với người dạy mình. Đồng thời, cách gọi đó cũng là để giáo viên tôn trọng học sinh khi đó (không còn là "con nít" nữa mà là một chủ thể đàng hoàng). Khi đó, tri thức không còn là chân lý tuyệt đối, và người hấp thụ tri thức có thể phản biện những điều mà người truyền thụ đã nói, nhờ đó chính người học cũng có thể sẽ là người tạo ra tri thức mới.
Điều quan trọng nhất làm nên sức mạnh con người chính là sự tự tin. Nếu ngược lại, lúc nào cũng ở trong trạng thái tự ti thì khả năng sáng tạo của con người sẽ bị thui chột đi rất nhiều, như thế thì sao mà có thể hấp thụ tri thức một cách tốt nhất và sau đó có thể là người tạo ra được tri thức được?
Với bản thân tôi, một trong những điều quan trọng nhất mà tôi học được từ khi là giáo viên, đó chính là sự tôn trọng học trò như đã nói ở trên. Ngoài việc khơi gợi niềm yêu thích, đam mê trong mỗi em học sinh, tôi luôn luôn tuyệt đối tôn trọng các em từ trong cách xưng hô. Với tôi, mỗi một học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12 cũng đều là một chủ thể: có suy nghĩ, có chính kiến.
Phương châm chủ đạo của tôi là luôn để các em được là chính mình, coi các em là trung tâm. Ít khi tôi dùng từ "dạy" với học trò của mình mà tôi hay nói là "thảo luận, tranh luận" (thảo luận về một vấn đề, tranh luận về một bài toán). Trong giờ học hay đời thường, tôi không bao giờ áp đặt chính kiến của mình lên các em, ít khi bắt học sinh phải làm thế này, thế kia mà hay khuyên các em "nên...". Nếu ý kiến của các em đúng, tôi sẵn sàng nghe theo.
Trong những giờ dạy của tôi, các học sinh được quyền phản biện về mọi vấn đề tranh luận, cho dù sự phản biện đó có phi logic tôi cũng lắng nghe và giải thích chứ không trách mắng, áp đặt. Tôi được biết, nhiều nền giáo dục tiên tiến coi trọng việc đặt câu hỏi hơn việc trả lời câu hỏi. Bởi vậy, với tôi, các em được quyền đặt mọi câu hỏi và không có câu hỏi nào là ngớ ngẩn.
>> 'Học sinh Việt lười giao tiếp'
Trong giáo dục, chúng ta lẽ ra phải làm sao để mỗi học sinh bình thường đều có thể trở thành người mà "các em muốn làm và có thể làm" chứ không phải là bị ép buộc trở thành "người mà cha mẹ, xã hội mong muốn, kỳ vọng". Bởi vậy, khi người giáo viên tôn trọng học sinh sẽ giúp các em tự tin hơn. Lúc đó, mọi tiềm năng của học sinh đều có thể sẽ được đánh thức, giờ học sẽ đạt hiệu quả cao nhất, giúp cả thầy và trò cùng vui vẻ, góp phần làm cho trường học trở thành môi trường hạnh phúc.
Sự tôn trọng là một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên "trường học hạnh phúc". Và một hành động thể hiện sự tôn trọng với học sinh là xưng "em" thay "con" với giáo viên. Ngược lại, khi xưng "con" với thầy, cô của mình, các em sẽ tự gây cảm giác gượng gạo. Chưa kể, có những giáo viên hoặc giảng viên chỉ hơn học sinh, sinh viên của mình vài tuổi, nên việc xưng "con" như thế rất khó coi.
Ngoài ra, xưng "con" trong môi trường giáo dục sẽ khiến người học khó khăn trong việc phản biện lại với người truyền thụ tri thức, lời của giáo viên sẽ được coi là chân lý tuyệt đối. Lúc đó, giáo viên sẽ không thúc đẩy sự sáng tạo của người học. Có thể nhiều người cho rằng xưng "con" với thầy, cô như thế sẽ làm cho người giáo viên có trách nhiệm với học sinh của mình hơn, đồng thời học sinh cũng coi thầy, cô như cha, mẹ để mà tôn trọng. Nhưng "chiếc áo không làm nên thầy tu", xã hội đã phát triển cần phải thay đổi suy nghĩ này.
Chúng ta không thể chỉ dựa vào việc xưng hô mà thúc đẩy cả một giáo dục phát triển được. Trong quyển sách nổi tiếng Sapiens: Lược sử về loài người, tác giả có nói đến công thức của sự thịnh vượng và phát triển của loài người: Sự phát triển, thịnh vượng = cơ chế thị trường + khoa học kỹ thuật. Công thức này được đúc rút từ tiến trình phát triển của loài người chứ không đơn thuần trong ngày một, ngày hai.
Từ công thức này, có thể thấy rằng, để một lĩnh vực nào đó phát triển thì chúng ta phải để thị trường quyết định, giáo dục cũng vậy. Với bản thân tôi, dù là người nặng tình cảm, nhưng tôi luôn ủng hộ điều này. Tôi coi nghề dạy học của mình tương tự việc cung cấp một dịch vụ cho người có nhu cầu, muốn đạt hiệu quả cao thì dịch vụ phải hoàn hảo. Giáo dục có chất lượng tốt là nhờ nhiều yếu tố chứ không phải là do kiểu xưng "con" giữa học sinh và giáo viên.
Tôi đã dạy không biết bao nhiêu thế hệ học sinh, nhưng chưa bao giờ tôi gọi học trò của mình là "con", mà lúc nào cũng chỉ là "em". Tôi cho rằng, ngành chủ quản cần phải nhìn nhận để rút ra những bài học từ vấn đề này, sớm chuẩn hóa việc xưng hô trong trường học. Nếu không, việc xưng hô gượng gạo này sẽ còn tiếp diễn, kéo theo nhiều hệ lụy không đáng có sau này.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.