Ngày hiến chương nhà giáo năm nay qua đi có vẻ im ắng hơn nhiều so với mọi năm, một phần do dịch bệnh Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp nên không khí có vẻ chùng xuống. Tôi nghe nhiều nhà giáo mang nặng "tâm tư" với nghề, với cuộc sống và cũng khá trăn trở đối với công việc "gieo chữ, trồng người". Bởi, đâu đó vẫn có những cách nhìn nhận chưa thực sự khách quan đối với nghề giáo.
Thời cuộc thay đổi, nghề giáo cũng đang dần đổi thay. Nhưng dù cho xã hội có biến chuyển thế nào đi chăng nữa thì người thầy - "người gieo chữ", người hàng ngày uốn tâm hồn cho lớp lớp học sinh, vẫn cần được tôn trọng. Bởi bất kỳ con người nào muốn đỗ đạt và thành công, bất kỳ ai dù đứng ở vị trí nào trong xã hội cũng đều nhận được sự dạy dỗ của nhiều người thầy mới trưởng thành một cách khỏe mạnh cả về tri thức lẫn nhân cách.
Tiếc rằng trong bối cảnh hiện nay, khi giá trị của đồng tiền đang bào mòn nhiều thứ, thì vị thế của người thầy cũng đang bị đem ra cân, đo, đong, đếm về nhiều mặt. Nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra trong học đường, khi mà nhiều người thầy dường như bất lực trước cách hành xử của phụ huynh. Họ có thể đánh, mắng, thậm chí là bắt người thầy phải quỳ gối cho một sai lầm nào đó trong phương pháp giáo dục học sinh.
Từ bất lực với phụ huynh, người thầy phải chăng cũng dần bất lực trước một bộ phận học sinh cá biệt. Chỉ cần bất kỳ một hành động nào quá tay, quá lời là mạng xã hội đã rần rần phán xử, kết tội giáo viên. Từ trong chính hoàn cảnh đó, người thầy dần co mình lại là lẽ tất nhiên. Học sinh hư không thể không uốn nắn, rèn giũa, nhưng chính sự khắt khe của phụ huynh và dư luận xã hội khiến người thầy mất hết dũng khí giáo dục trẻ đến tận cùng.
>> 'Giáo viên chất lượng cao không thể có thu nhập thấp'
Nghề giáo đúng là đang bị thử thách bởi vô vàn áp lực, nhưng áp lực lớn nhất vẫn là cái nhìn thiếu đồng cảm từ dư luận. Bởi vậy, cần lắm sự đồng thuận của phụ huynh. Chỉ khi người thầy được phụ huynh trao cho niềm tin về năng lực, tâm huyết thì lòng người mới an nhiên lên lớp, tận tâm giáo dục trò.
Trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, một khi vật giá tăng chóng mặt và không bao giờ tỷ lệ thuận với đồng lương được nhận, một số nhà giáo đã tìm cách tăng thêm thu nhập. Thẳng thắn nhìn nhận, từng có một bộ phận nhà giáo chưa thực sự tâm huyết với việc giảng dạy chính khóa trên lớp để rồi tìm cách lôi kéo học sinh đến các lớp học thêm nhằm cải thiện thu nhập.
Những biểu hiện xấu xí của vấn nạn học thêm, xuất phát từ một số ít giáo viên chạy theo đồng tiền đã khiến hình ảnh người thầy nói chung trở nên xấu xí trong mắt dư luận. Chính nó đã làm tổn thương lòng tự trọng của những người thầy chân chính và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tôn nghiêm của nghề giáo!
Tránh sao được bởi ngành nghề nào cũng có những "con sâu làm rầu nồi canh". Tuy nhiên, không phải vậy mà đánh đồng trong việc đánh giá, đã đến lúc cần phải có cái nhìn khách quan đối với nhà giáo.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bàitại đây.