Đọc nhiều bài viết xung quanh chủ đề lương giáo viên, tôi thấy nhiều người có suy nghĩ rằng "làm giáo viên là công việc tốn ít thời gian", "học sinh nghỉ là giáo viên cũng được nghỉ", "ba tháng nghỉ hè không phải đến lớp những vẫn được hưởng lương đều"... Với quan điểm như thế, có người cho rằng mức lương của giáo viên hiện tại là tương xứng với công sức họ bỏ ra. Nhưng điều đó liệu có đùng không?
Bản thân tôi cũng là một giáo viên. Từ thực tế công việc của mình, tôi thấy rằng nghề giáo viên không hề dễ dàng, nhẹ nhàng như nhiều người vẫn nghĩ. Tôi cũng phải thức khuya để chấm bài vở của học sinh, viết sổ sách, soạn giáo án, rồi hôm sau lại phải dậy sớm để kịp giờ lên lớp. Khối lượng công việc của tôi tăng lên đáng kể đặc biệt vào những đợt thanh tra.
Ngoài ra, tôi còn phải tham gia thi giáo viên dạy giỏi, các hội lớn nhỏ trong ngành... Nhiều khi, tôi soạn giáo án cả chục lần cũng chưa xong, vì còn phải đem ra tổ chuyên môn góp ý, chỉnh sửa rất nhiều.
Người ta cứ nói giáo viên có ba tháng nghỉ hè cho sang, chứ thực tế các thầy cô cũng vẫn phải đi làm nhiều việc khác trong thời gian này như: trông thi, chấm thi vào lớp 10, thi THPT Quốc gia... Thầy cô nào không phải làm nhiệm vụ các kỳ thi cũng phải đến trường để hỗ trợ dọn dẹp, trang trí lại lớp học, làm đồ dùng dạy học... Chưa kể một số trường còn mở các câu lạc bộ hè cho học sinh, và các thầy cô cũng phải đến dạy.
>> Tôi bỏ nghề giáo vì phải làm nhiều việc không công
Mấy năm nay, ngành Giáo dục thực hiện chương trình 2018, thay đổi sách giáo khoa, nên cứ mỗi dịp hè, các thầy cô cũng phải tham gia tập huấn, học bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ (bắt buộc năm nào cũng phải góp mặt) để chuẩn bị cho năm học mới.
Các tỉnh khác thì tôi không biết, chứ ở Hà Nội nơi tôi đang công tác, do chương trình sách giáo khoa mới xuất hiện môn học mới nên một số trường còn yêu cầu thầy cô phải đi học chứng chỉ mới được dạy các môn này. Ai không học thì có thể bị đưa vào danh sách cắt giảm biên chế.
Trong khi đó, ở nhà, phụ huynh phải chăm hai, ba đứa trẻ một lúc, nhiều khi con hư, con quấy, cha mẹ cũng không kiềm chế được và lớn tiếng quát con. Ấy vậy mà ở lớp mấy chục đứa trẻ, các thầy cô phải đều quan tâm, công bằng, yêu thương. Vậy mà một số phụ huynh lại phản ứng gay gắt, tiêu cực khi con mình bị giáo viên kỷ luật, cho rằng con bị cô trù, thầy ghét.
Nói chung, ngành nghề nào cũng có những khó khăn, vất vả riêng, thậm chí là cay đắng. Không thế nói nghề nào khổ hơn nghề nào để đòi hỏi được đãi ngộ cao hơn. Nhưng, là một giáo viên, tôi chỉ mong xã hội, mong các bậc phụ huynh sẽ có cái nhìn khách quan hơn, đồng cảm và tôn trọng hơn với các thầy cô giáo. Có như vậy, việc giáo dục con em chúng ta mới thực sự đạt hiệu quả.
NT Hien
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.