Đi dạo vòng quanh thành phố Hà Nội bằng xe máy, tôi thực sự sợ hãi khi chứng kiến cách lái xe liều lĩnh, bất chấp, nguy hiểm của nhiều tài xế ôtô. Chuyện là khi tôi đang bon bon lái xe trên đường Cổ Linh, quận Long Biên với tốc độ 60 km/h, và có ý định vượt qua một ôtô khác đi cùng chiều, nam tài xế bất ngờ đánh lái, chuyển làn tạt đầu tôi mà không hề có tín hiệu báo trước. Hậu quả là tôi phải chân đạp, tay bóp phanh dúi dụi. May mắn, tôi vẫn làm chủ được tay lái nên không bị tai nạn.
Thực tế, tình huống này không phải là hiếm gặp trên đường Việt, vì phần lớn người lái ôtô ở ta rất lười dùng xi nhan và quan sát gương chiếu hậu trước khiên chuyển làn, chuyển hướng, nên nhiều khi gây ra tình huống bất ngờ cho người đi đường xung quanh.
Khi đi trên những đường cấm một chiều ôtô, tôi để ý thấy cánh tài xế rất hay có xu hướng chiếm luôn chiều ngược lại, xem như đường một chiều, không cho xe máy đi, điển hình là đường gom Đại lộ Thăng Long. Đã có rất nhiều vụ tai nạn giao thông xuất phát từ việc ôtô lấn chiều đường ngược lại, tuy nhiên dường như vẫn không làm cánh tài xế chùn chân ga.
Khi vượt xe khác trên quốc lộ không có dải phân cách, không ít người lái ôtô (đặc biệt là xe khách, xe tải) cũng có thói quen lấn luôn sang chiều đường ngược lại, như thể chèn ép các phương tiện cơ giới nhỏ hơn (xe máy, xe đạp) phải nhường cho mình. Họ chỉ không dám làm vậy khi ở hướng đường đối diện cũng có các ôtô khác đang di chuyển. quả là lắm lúc, tôi phải đi xe máy ra giữa làn để ôtô không bị các tài xế phía đối diện chèn ép.
>> Những tài xế khôn lỏi đi vào làn khẩn cấp khi cao tốc tắc dài
Một vấn đề nhức nhối khác là ôtô rất hay vi phạm tốc độ. Như tôi đi trên đường Cổ Linh với vận tốc 60 km/h theo đúng quy định, có tài xế ôtô từ phía sau dí còi đòi vượt lên, ấy thế mà sau khi vượt xong, tài xế ôtô (mặt đỏ như gấc) còn mở kính hét về phía tôi "không biết đi xe à?". Trong khi đây là đường hỗn hợp và tôi vẫn đang đi đúng luật, còn anh ta mới là người vượt tốc độ cho phép.
Tôi cũng nhiều lần chứng kiến các tài xế ôtô không tuân thủ biển cấm chuyển hướng. Như nút giao Đàm Quang Trung - Cổ Linh có biển cấm nhưng ôtô vẫn nối nhau rẽ trái và quay đầu hàng đoàn. Nhiều tài xế có thói quen tiện đâu đi đó, kể cả đi ngược chiều chỉ để tiện cho mình. Họ cũng đỗ xe rất vô tội vạ, có khi dừng giữa đường, đỗ xe bất chấp biển cấm. Rồi khi công an đến, họ lại hô hào nhau chạy trốn.
Trong mắt nhiều người lái ôtô ở Việt Nam luôn có một ác cảm rằng "xe máy là nguyên nhân gây tắc đường". Thế nhưng cũng chính những người đó lại bịt hết đường đi của xe máy ở những đường cắm biển báo phân làn như cầu Vĩnh Tuy. Tôi dám cá rằng xe máy cũng chỉ là một phần của thực trạng giao thông ở ta. Còn quan trọng nhất vẫn là ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ của người Việt còn quá kém, trong đó có một bộ phận không nhỏ tài xế ôtô - lực lượng đang gia tăng nhanh chóng.
Song song với những đề xuất cấm xe máy được bàn luận nhiều thời gian qua, tôi cho rằng chúng ta cũng cần sớm có biện pháp hạn chế ôtô di chuyển trong nội đô trong tương lai để góp phần phát triển giao thông thành phố. Hiện nay, khu vực phố cổ Hà Nội đã làm rất hiệu quả vấn đề này, và đó sẽ là tiền đề để nhân rộng phạm vi áp dụng trên toàn thành phố.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.