Tôi học ngành văn hoá và hiện đang làm một công việc không liên quan ngành học. Lúc mới tốt nghiệp, nhiều người trong lớp tôi đều có ý định sẽ học lên cao hơn trước khi tìm việc chính thức. Hai bạn mà tôi chơi chung cũng nằm trong nhóm này. Riêng tôi thì không.
Người bạn thứ nhất sau khi đi học thạc sĩ được một năm lại quyết định bỏ ngang vì thấy chi phí đầu tư nhiều. Do đặc thù của ngành phải tốn nhiều tiền, thời gian đi điền dã, tìm hiểu khắp nơi để làm báo cáo, nói chung là khá vất vả và tốn tiền. Vậy nên anh ấy đã bỏ ngang để đi làm nhân viên sale ôtô, một công việc chẳng liên quan gì ngành học và bây giờ rất thành công với sự lựa chọn đó.
Người bạn thứ hai học thạc sĩ vì chẳng biết làm gì. Nói thẳng ra là mãi không tìm được việc làm phù hợp nên mới chọn học lên cao. Vậy là lại tốn tiền của, thời gian để học cho xong. Bây giờ lấy được bằng, có được một chân giảng dạy thì lại than trời trách đất vì lương giảng viên quá ít, không đủ sống, không kiếm nổi 10 triệu đồng mỗi tháng.
Mới đây câu chuyện các trường nghề lo không tuyển đủ người học làm tôi nhớ đến câu chuyện thầy nhiều hơn thợ ở ta. Và giống hệt như đã diễn ra với hai người bạn của tôi.
Tôi nghĩ có lẽ những thông tin nhiều thạc sĩ thất nghiệp, thạc sĩ vứt tấm bằng đi làm công nhân, thạc sĩ lương không đủ sống... chỉ xảy ra ở những xã hội trọng bằng cấp một cách thái quá.
Điều này đã làm cho rất nhiều người tưởng rằng cố gắng học lên cao, trang bị nhiều bằng cấp sẽ là trang bị tốt nhất thay vì là kinh nghiệm thực tiễn. Và tiếc thay rất nhiều người cố học xong thạc sĩ vì tốt nghiệp xong chẳng biết làm gì đã góp phần tạo nên điều tiếng cho tấm bằng thạc sĩ.
Như trường hợp người bạn thứ hai của tôi là một ví dụ. Thay vì trong lúc không tìm được việc làm, hãy gác sĩ diện tốt nghiệp đại học sang một bên mà đi tìm hiểu lý do tại sao mình thất nghiệp. Vấn đề ở bản thân hay ngành học? Nếu ngành học khó kiếm việc làm thì chuyển làm trái ngành để tìm hướng đi mới cho bản thân. Còn đi học thạc sĩ vì không biết làm gì quả là một sai lầm như kiểu cố đấm ăn xôi, nhưng lại gặp xôi hỏng và rốt cuộc lại cứ đổ lỗi không thôi.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.