Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 7/5 tuyên bố vaccine Covid-19 do công ty Sinopharm của Trung Quốc sản xuất giúp chống virus một cách an toàn và đáng tin cậy. Thông báo này là bước ngoặt quan trọng giúp giải tỏa phần nào những nghi ngờ về vaccine Sinopharm, trong bối cảnh rất ít dữ liệu về thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối được chính phủ Trung Quốc cũng như hãng dược phẩm này tiết lộ.
Việc WHO phê duyệt vaccine Sinopharm cho sử dụng khẩn cấp đồng nghĩa nó có khả năng được đưa vào chương trình Covax, một sáng kiến toàn cầu nhằm cung cấp vaccine miễn phí tới các nước nghèo. Điều này làm dấy lên hy vọng thêm nhiều người hơn nữa có thể tiêm vaccine, đặc biệt là người dân ở những nước đang phát triển.
Các nước giàu có đang tích trữ lượng lớn vaccine. Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine chính của thế giới, đã ngừng xuất khẩu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Covid-19 đang ngày càng trầm trọng ở trong nước. Những lo ngại về nguy cơ đông máu khiến giới chức y tế một số quốc gia phải ngừng sử dụng vaccine của AstraZeneca và Johnson & Johnson (J&J).
"Việc bổ sung Sinopharm sẽ giúp gia tăng khả năng tiếp cận vaccine Covid-19 cho các nước đang muốn bảo vệ người dân và đội ngũ nhân viên y tế của mình trước rủi ro", tiến sĩ Mariângela Simão, trợ lý tổng giám đốc WHO, nhấn mạnh.
Khả năng tiếp cận vaccine có thể được cải thiện hơn nữa vào tuần tới, khi WHO đang cân nhắc phê duyệt một vaccine khác do công ty Sinovac của Trung Quốc sản xuất.
Andrea Taylor, nhà phân tích dữ liệu về vaccine tại Viện Y tế Toàn cầu Duke, gọi việc bổ sung hai vaccine Trung Quốc vào chương trình Covax là "quân bài thay đổi cuộc chơi".
"Tình hình hiện tại khá tuyệt vọng đối với các quốc gia có thu nhập trung bình hoặc thấp, vậy nên mọi liều thuốc đều đáng được huy động", Taylor nói. "Hai lựa chọn tiềm năng từ Trung Quốc thực sự có thể thay đổi cục diện những gì sẽ xảy ra trong vài tháng tới".
Dù vậy, không ít người đang đặt ra hoài nghi về khả năng đóng góp của vaccine Trung Quốc cho nỗ lực tiêm chủng toàn cầu. Bắc Kinh tuyên bố họ có thể sản xuất tới 5 tỷ liều vaccine tới cuối năm nay, nhưng các quan chức Trung Quốc lại nói rằng họ đang phải vật lộn chỉ để sản xuất đủ lượng vaccine cho người dân nước mình.
"Đây đáng lẽ là thời điểm vàng để Trung Quốc thực hiện chính sách ngoại giao vaccine của mình. Vấn đề là, cùng lúc, bản thân Trung Quốc cũng đang bị thiếu hụt", Yanzhong Huang, chuyên gia cấp cao về y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, nhận định. "Vì thế, tôi không nghĩ khả năng tiếp cận vaccine của người dân thế giới sẽ được cải thiện đáng kể trong vòng hai đến ba tháng tới".
Chiến dịch tiêm chủng của Trung Quốc khởi đầu khá chậm chạp, một phần do chính phủ ưu tiên xuất khẩu và người dân không cảm thấy việc tiêm phòng là cấp bách. Nước này đang đẩy nhanh nỗ lực tiêm chủng quốc gia và đặt mục tiêu đến cuối tháng 6 phải tiêm vaccine được cho 560 triệu dân, tương đương 40% dân số.
Sinopharm và Sinovac đang sản xuất khoảng 12 triệu liều vaccine mỗi ngày, chỉ cao hơn không đáng kể so với mức 10 triệu liều mà Trung Quốc hy vọng sẽ cung cấp hàng ngày nhằm đáp ứng mục tiêu trong nước.
Hai công ty sẽ phải sản xuất bổ sung khoảng 500 triệu liều vaccine nếu muốn đáp ứng nhu cầu của các quốc gia khác, theo tính toàn từ Bridge Consulting, công ty tư vấn có trụ sở ở Bắc Kinh.
Tình trạng thiếu hụt vaccine cho thấy sự phức tạp trong việc triển khai chiến dịch tiêm chủng hàng loạt của Trung Quốc trong khi vẫn ôm hy vọng thực hiện một chương trình xuất khẩu đầy tham vọng. Những bên tham gia vào chuỗi cung ứng vaccine, như các công ty sản xuất bơm kim tiêm, đang phải làm việc hết công suất.
"Cả thế giới đang thiếu vaccine, nhu cầu là rất lớn", người phát ngôn Sinovac Pearson Liu nói.
Nhằm giảm thiểu thiếu hụt, giới chức Trung Quốc cho biết những người đã tiêm mũi đầu có thể trì hoãn tiêm mũi thứ hai tới 8 tuần, hoặc họ có thể kết hợp tiêm vaccine từ các công ty khác nhau. Nhờ đó, tới khoảng tháng 6, tình trạng thiếu vaccine có thể được giảm bớt.
Vaccine Trung Quốc đã được chuyển tới hơn 80 nước, nhưng chúng lại vấp phải hoài nghi lớn, một phần là do các công ty nước này chưa công bố dữ liệu thử nghiệm Giai đoạn Ba để các nhà khoa học đánh giá độc lập mức độ hiệu quả của chúng.
Tuần qua, một nhóm cố vấn cho WHO đã công bố dữ liệu này. Vaccine Sinopharm có tỷ lệ hiệu quả là 78,1%, trong khi tỷ lệ hiệu quả của vaccine Sinovac dao động từ 50% đến 84%, tùy thuộc vào quốc gia nơi thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn Ba được tiến hành.
Dữ liệu từ nhóm cố vấn cho thấy họ "có mức độ tin tưởng cao" rằng vaccine Sinopharm phát huy tốt tác dụng ngăn ngừa Covid-19 ở người trưởng thành, nhưng "mức độ tin tưởng thấp" đối với người trên 60 tuổi. Đánh giá của nhóm cũng tương tự với vaccine Sinovac.
WHO cho biết vì Sinopharm không tập hợp nhiều người trên 60 tuổi tham gia thử nghiệm lâm sàng nên họ không thể ước tính hiệu quả của nó trên nhóm tuổi này. Tuy nhiên, WHO sẽ không hạn chế việc sử dụng vaccine ở nhóm tuổi trên 60 vì dữ liệu sơ bộ cho thấy vaccine "dường như có tác dụng bảo vệ ở người lớn tuổi".
Dữ liệu về hiệu quả của vaccine Trung Quốc đối với các biến chủng nCoV trên khắp thế giới hiện cũng khá hạn chế, nhưng nhìn chung, chúng kém hơn so với vaccine do Pfizer-BioNTech hay Moderna sản xuất.
Song với giới lãnh đạo Trung Quốc, việc vaccine được WHO phê chuẩn không khác gì một tấm "huân chương danh dự". Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng cam kết biến vaccine Trung Quốc thành "hàng hóa công cộng toàn cầu".
Sau khi Ấn Độ hồi tháng trước hạn chế xuất khẩu vaccine, Indonesia và Philippines cho biết họ sẽ quay sang nhờ đến sự giúp đỡ từ Trung Quốc. Tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc cũng đề nghị giúp các quốc gia Nam Á tiếp cận vaccine.
Indonesia thông báo sẽ nhận các lô vaccine tăng cường từ Sinovac sau khi Tổng thống Joko Widodo hội đàm với Chủ tịch Tập. Trong một bài phát biểu hồi tuần trước, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte còn nói ông nợ Trung Quốc "một ân tình lớn" vì vaccine của họ.
Chưa rõ liệu phê duyệt từ WHO sẽ thay đổi cách tiếp cận của Bắc Kinh trong việc cung cấp vaccine như thế nào. Trung Quốc mới cung cấp 10 triệu liều cho chương trình Covax, dù họ đã tặng 16,5 triệu liều và bán 691 triệu liều cho 84 nước, theo Bridge Consulting.
"Họ không muốn thể hiện lòng hào phóng của mình dưới thương hiệu của Liên Hợp Quốc", J. Stephen Morrison, giám đốc trung tâm chính sách y tế toàn cầu tại Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế (CSIS), nhận xét. "Họ đang ở trong một giai đoạn mang tính lịch sử. Họ muốn người nhận biết rằng Trung Quốc đang chuyển hàng cho họ".
Vũ Hoàng (Theo NYTimes)