Tôi đầu tư bất động sản (BĐS) được 15 năm nay. Nhìn chung, hiện giờ đầu tư tiền vào kênh BĐS không còn hiệu quả nữa, tiền lãi có khi còn thua gửi tiết kiệm, thậm chí còn thua lỗ.
Nguyên nhân là từ 2019 đến giờ giá bị thổi quá đà, và hiện đang lao dốc. Ai muốn đầu tư thì phải chờ đợi vài ba năm cho giá xẹp bớt ảo đã.
Với những người mua để ở, tôi đồng tình quan điểm thanh khoản địa ốc xuống thấp vì niềm tin sụt giảm như các chuyên gia đánh giá. Hiện giờ có nhiều chủ đầu tư chiết khấu theo dạng cam kết hỗ trợ lãi suất, ân hạn lãi gốc...
Thoạt đầu nghe có vẻ tốt song một thời gian lại phá vỡ cam kết, rồi lúc hết ân hạn ngân hàng thu lãi suất thả nổi lên đến 14% thì khách hàng cầm chắc lỗ. Nếu giảm giá thì tính luôn vào giá ban đầu của hợp đồng, ví dụ căn hộ giá 5 tỷ giảm còn hai tỷ, hai ký bên ký luôn hợp đồng giá hai tỷ, chứ cứ vòng vo thì khách không tin nữa.
Ở chu kỳ bất động sản BĐS trước, năm đầu đóng băng và giảm giá nhẹ (2011) và nó đóng băng, giảm giá mạnh trong suốt các năm tiếp theo. Năm 2014 các chủ đầu tư đồng loạt giảm giá sâu hơn, có nơi giảm 50% như ở các vùng ven Hà Nội, thị trường BĐS bắt đầu có người mua, tan băng và phục hồi.
Để phá được băng, phương án là giảm dần giá bán đến khi có khách mua thì thôi. Cũng ở chu kỳ BĐS trước, tôi cũng thấy nhiều chủ đầu tư giảm giá đến 40% thì họ đẩy được hàng tồn kho, thu được tiền mặt, có tiền nên thanh toán nợ ngân hàng đúng hạn và được vay tiếp, vượt qua khó khăn và phát triển trở lại mạnh mẽ.
Chỉ một số chủ đầu tư vì ngại với khách hàng cũ mà không mạnh dạn giảm giá mới hết tiền mặt, vướng nợ xấu, không vay tiếp được nên khó chồng khó.
Trong nguy có cơ, kịp thời giảm giá bán từ 30-50% đẩy hàng tồn kho, để thu dòng tiền về tránh được nợ xấu. Các doanh nghiệp vẫn giữ giá chờ giải cứu thì nợ lãi ngày càng cao.
Trương TLG
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.