Đề nghị được Bộ Y tế nêu trong công văn gửi các địa phương ngày 17/12, hướng dẫn giám sát và phòng chống Covid-19 biến thể Omicron. Đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc biến thể Omicron, song nguy cơ mầm bệnh xâm nhập là rất lớn.
UBND địa phương, Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur rà soát tất cả người nhập cảnh từ ngày 28/11 có kết quả xét nghiệm nCoV dương tính bằng phương pháp NAAT, PCR trong vòng 14 ngày, kể từ ngày nhập cảnh; đánh giá dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, giải trình tự gene virus nhằm xác định biến thể Omicron.
"Trường hợp ghi nhận người dương tính với biến thể Omicron thì tiếp tục rà soát, lấy mẫu xét nghiệm người tiếp xúc gần và có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV trước đó, giải trình tự gene virus xác định biến thể Omicron", Bộ Y tế yêu cầu.
Các địa phương tổ chức tiêm ngay lượng vaccine đã được phân bổ, tập trung người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều; tiêm liều bổ sung, tăng cường cho nhóm nguy cơ.
Ngày 24/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận biến thể Omicron tại Nam Phi. Đây là biến thể mới được xếp vào nhóm VOC (đáng lo ngại), bước đầu đánh giá có khả năng lây lan nhanh, né tránh hệ thống miễn dịch, khó khăn trong việc chẩn đoán, xác định, ảnh hưởng tới công tác giám sát và phòng chống dịch. Đến ngày 17/12, 77 quốc gia/vùng lãnh thổ đã ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron.
Trong công bố hôm qua, cố vấn y tế chính phủ Anh, giáo sư Neil Ferguson cho biết chưa có bằng chứng cho thấy Omicron ít nghiêm trọng hơn Delta, cảnh báo biến chủng mới "sớm gây ra đe dọa lớn". Theo các chuyên gia, ngay cả trong trường hợp Omicron gây triệu chứng nhẹ, tốc độ lây nhiễm của nó vẫn dễ khiến số ca nhập viện tăng lên.
Tại Việt Nam, nhiều tỉnh thành đã lên kế hoạch ứng phó biến chủng Omicron. TP HCM yêu cầu hành khách chuyến bay quốc tế phải có xét nghiệm âm tính trong 72 giờ; người từ nước đã ghi nhận Omicron buộc cách ly tập trung để ngăn biến chủng mới.