Theo tiến sĩ Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ, Omicron đang được chú ý rộng rãi, song các ca nhiễm và tử vong hiện vẫn do biến chủng Delta.
"Delta mới là mối nguy hiểm thực sự. Omicron thì chưa chắc", ông nói.
Các chuyên gia sẽ mất vài tuần để tìm hiểu về mọi mặt của biến chủng mới, như tốc độ lây lan, độc lực hay khả năng trốn tránh miễn dịch. Trong thời gian chờ đợi, "điều chúng ta cần làm là bảo vệ bản thân nhiều hơn", tiến sĩ Julie Vaishampayan thuộc Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ, cho biết.
Cách đầu tiên là tiêm hai liều vaccine và tiêm tăng cường nếu đủ điều kiện. Đây là phương pháp kích hoạt kháng thể chống lại virus. Ngay cả khi kháng thể không còn hiệu quả với Omicron, chúng vẫn giúp ngăn ngừa các biến chủng khác.
Thực tế, sự xuất hiện của Omicron đã khiến nhiều chuyên gia thay đổi quan điểm về liều vaccine tăng cường trong cuộc chiến chống dịch. Trước đó, họ cho rằng có quá ít bằng chứng khoa học để ủng hộ quy định này.
Tiêm liều vaccine Covid-19 tăng cường có thể giúp nâng cao khả năng phòng thủ của cơ thể đối với mầm bệnh, bù đắp những lợi thế mà virus có được trong quá trình tiến hóa. Những chuyên gia từng phản đối liều tiêm tăng cường giờ đây tin rằng nó có thể đem lại khả năng phòng thủ tốt trước biến chủng mới. Liều vaccine tăng cường làm chậm sự lây lan của virus, giúp các nhà khoa học có thêm thời gian sản xuất hoặc điều chỉnh vaccine, nếu cần thiết.
John Moore, nhà virus học tại Viện Y tế Weill Cornell, New York, chia sẻ: "Nếu nó (Omicron) có khả năng kháng kháng thể mạnh mẽ, có thể cần tiêm liều tăng cường. Dù vậy, chúng ta chưa biết chắc về điều này. Tôi nghĩ cần có thêm dữ liệu, song thêm một hàng rào bảo vệ cũng chẳng tổn hại gì".
Người dân cần đeo khẩu trang đầy đủ, tránh tụ tập đông người và cải thiện hệ thống thông gió. Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) tiếp tục khuyến nghị đeo khẩu trang tại nơi công cộng và khu vực có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng cao, bất kể tình trạng tiêm chủng.
Theo hướng dẫn của CDC, người có bệnh nền, đang dùng thuốc làm suy yếu hệ miễn dịch sẽ không được bảo vệ toàn diện dù đã tiêm phòng. Vì vậy, đeo khẩu trang là rất cần thiết nhằm tránh lây nhiễm nCoV.
"Để tối đa hóa khả năng bảo vệ và ngăn ngừa lây nhiễm nCoV, người đã tiêm chủng đầy đủ vẫn nên đeo khẩu trang nơi công cộng, ở khu vực có khả năng lây nhiễm cao", CDC nêu rõ. Người dân bắt buộc đeo khẩu trang khi đi máy bay, xe buýt, tàu hỏa và các phương tiện giao thông công cộng khác.
Theo CDC, nên chọn khẩu trang có hai hoặc nhiều lớp vải, dễ giặt và thoáng khí. Khi đeo khẩu trang, người dùng cần đảm bảo che hoàn toàn mũi và miệng. Khẩu trang phải vừa khít với khuôn mặt, không có khe hở.
Vaishampayan cho rằng khẩu trang đặc biệt cần thiết vào dịp cuối năm cũ, đầu năm mới khi hàng loạt sự kiện, lễ hội đông người diễn ra.
Chuyên gia khuyến nghị các nước mở rộng xét nghiệm, truy vết sớm để tìm ra người nhiễm nCoV, xác định biến chủng Omicron. Các xét nghiệm PCR thông thường vẫn xác nhận được ca nhiễm biến chủng, bởi Omicron thiếu đi một đoạn gene S thường thấy trong các phiên bản virus trước đó. Các nhà khoa học dùng cơ sở này để sàng lọc ca nhiễm mà không cần giải trình tự gene.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng coi việc giám sát, phát hiện sớm các ca F0 tiềm ẩn trong cộng đồng là một trong 4 công cụ quan trọng đẩy lùi Covid-19 và biến chủng Omicron. Điều này đặc biệt cần thiết ở các khu vực đã ngăn chặn thành công virus hoặc những nơi có khả năng ứng phó dịch hạn chế. Thông qua giám sát chủ động, giới chức có thể phát hiện sớm những chuỗi lây truyền và xử lý có mục tiêu.
Thục Linh (Theo AP, CDC)