"Bằng chứng ban đầu cho thấy Omicron làm giảm hiệu quả của vaccine trong chống lây nhiễm. Với dữ liệu hiện tại, có thể thấy Omicron sẽ vượt qua biến chủng Delta tại những nơi nó lưu hành", WHO chỉ rõ trong bản báo cáo.
Người nhiễm Omicron nhiều khả năng có triệu chứng nhẹ hoặc không biểu hiện, nhưng WHO cho biết chưa đủ dữ liệu để xác định độ nghiêm trọng lâm sàng của biến chủng.
Delta hiện vẫn là chủng trội toàn cầu, nguyên nhân của hầu hết ca nhiễm trên thế giới. Song sự xuất hiện của Omicron ở Nam Phi đã khiến nhiều quốc gia cảnh giác. WHO ngày 26/11 xếp biến chủng này vào nhóm đáng lo ngại, nhiều quốc gia áp lệnh hạn chế đi lại với người từ Nam Phi và đưa ra nhiều quy định trong nước nhằm kiểm soát sự lây lan.
WHO cho biết Omicron đã lây lan đến 63 quốc gia tính đến ngày 9/12. Biến chủng lây truyền nhanh ở Nam Phi, nơi Delta ít phổ biến hơn và ở Anh, nơi Delta là chủng trội.
Giáo sư Bruce Mellado, cố vấn chính quyền tỉnh Guateng của Nam Phi, hôm 2/12 nhận định lây nhiễm cộng đồng đang tăng mạnh "mức chưa từng thấy ở Nam Phi" và là dấu hiệu Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn, sẽ trở thành biến chủng phổ biến nhất.
Cơ quan An ninh Y tế Anh (HSA) hôm 11/12 cũng cho biết giới chức phát hiện thêm 633 ca nhiễm Omicron, nâng tổng số ca nhiễm biến chủng mới tại nước này lên 1.898. Theo cơ quan này, hiện chưa có trường hợp nào nhiễm Omicron phải nhập viện hoặc tử vong.
HSA thông tin liều vaccine Covid-19 thứ ba hiệu quả 70-75% ngăn ngừa Covid-19 thể nhẹ do chủng Omicron gây ra. Phát hiện dựa trên phân tích thực tế, là dữ liệu ngoài phòng thí nghiệm đầu tiên về tác dụng của vaccine với Omicron. Nghiên cứu thực hiện trên 581 người tiêm vaccine Pfizer hoặc AstraZeneca. Các nhà khoa học nhận ra kháng thể trung hòa của vaccine giảm đáng kể sau khi tiếp xúc với Omicron. Tuy nhiên, sau khi tình nguyện viên tiêm liều thứ ba, hiệu quả của AstraZeneca khôi phục lên 70%, Pfizer tăng lên 75%.
Thục Linh (Theo AFP, AP)