Hình ảnh biến chủng được chụp trên một tế bào thận khỉ (Vero E6) nhiễm virus. Các chuyên gia đã phát hành hai phiên bản độ phóng đại cao và thấp.
Độ phóng đại thấp cho thấy tế bào bị tổn thương với các nang sưng lên chứa các hạt virus nhỏ màu đen. Ở độ phóng đại cao có thể thấy tập hợp những hạt virus có protein gai như lớp vương miện trên bề mặt.
Để có được ảnh hiển vi, các nhà khoa học đã tìm cách cô lập Omicron từ những mẫu bệnh phẩm. Đây cũng là phương pháp giúp phát triển và sản xuất vaccine chống lại biến chủng mới.
Trước đó, ngày 27/11, Bệnh viện Bambino Gesu, Italy đã trình bày ảnh so sánh Omicron và Delta. Theo đó, Omicron có nhiều gai đột biến ở khu vực tương tác với tế bào người. Diện tích tiếp xúc của nó cũng rộng hơn, cho thấy độ lây nhiễm cao hơn Delta. Số đột biến của Omicron là 43, trong khi ở Delta là 18.
Tuy nhiên, đó chỉ là ảnh đồ họa mô phỏng lượng đột biến khổng lồ của biến chủng mới. Đây là lần đầu tiên giới chuyên gia công bố ảnh hiển vi của một virus sống trên tế bào.
Đến nay, Omicron đã xuất hiện ở hơn 50 quốc gia. Các nhà khoa học lưu ý các thông tin về virus chưa nhất quán, cần thêm thời gian để đưa ra kết luận cuối cùng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 4/12 cảnh báo Omicron có thể thay thế Delta, trở thành chủng trội toàn cầu, nhưng vaccine hiện tại vẫn đủ hiệu quả.
WHO nhận định Omicron dường như không nghiêm trọng hơn các biến chủng trước đó và không có dấu hiệu nào cho thấy nó né hoàn toàn được vaccine. Tỷ lệ tái nhiễm Omicron ở người cao gấp ba lần các biến chủng đã được phát hiện, theo các chuyên gia Nam Phi.
Thục Linh (Theo Sputnik)