* Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Rừng thế mạng (đạo diễn Hữu Tấn) là tác phẩm trong nước đầu tiên ra mắt sau nhiều tháng rạp đóng băng vì dịch. Phim lấy bối cảnh chính ở Tà Năng - Phan Dũng, xoay quanh câu chuyện Kiên (Thanh Trực) và nhóm bạn. Trên hành trình trekking, Bách (Trần Phong) - bạn thân Kiên - mất tích. Khi đi tìm Bách, Kiên bị lạc trong rừng sâu, trượt xuống thác. Anh tìm mọi cách để sống sót, quay trở về trong lúc bị thương ở chân. Phim còn có sự góp mặt của nghệ sĩ Kiều Trinh, Hữu Châu, diễn viên Thùy Anh...
Hollywood từng có nhiều tác phẩm thể loại sinh tồn gây tiếng vang như Cast away (2000), 127 hours (2010), Life of Pi (2012), All is lost (2013), Gravity (2013)... Về mặt sản xuất, dòng phim này mang tính thử thách cao bởi đòi hỏi tay nghề trong cách triển khai câu chuyện, đầu tư bối cảnh. Ngoài khâu diễn xuất và kịch bản, đoàn làm phim thường đối mặt khó khăn trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt để có được những cảnh quay chân thực. Tại Việt Nam, Rừng thế mạng là phim điện ảnh mở màn cho thể loại sinh tồn, đạo diễn Hữu Tấn cho biết tác phẩm lấy cảm hứng từ chuyện có thật.
Phim dành hồi đầu để giới thiệu dàn nhân vật - sáu người thám hiểm Tà Năng, Phan Dũng. Mối quan hệ phức tạp của nhóm bạn trẻ với chuyện tình tay ba, tay tư dần được khơi gợi qua các phân cảnh yêu đương, ghen tuông. Vì ôm đồm tình tiết, 30 phút đầu, phim mở màn dông dài, đôi lúc khiến người xem khó bắt kịp cảm xúc nhân vật. Hai phần ba thời lượng còn lại, nhịp phim đẩy nhanh hơn khi nhóm bạn phát hiện thành viên đầu tiên bị mất tích. Từ đây, loạt sự kiện bắt đầu diễn ra dồn dập.
Diễn xuất lăn xả của Huỳnh Thanh Trực trong vai Kiên tạo sức hút chính cho phim. Lạc trong rừng sâu khi đi tìm bạn, Kiên hết lương thực, thiếu nước, phải trườn bò vì một chân bị thương. Thanh Trực diễn tả trọn vẹn nỗi tuyệt vọng của nhân vật bằng biểu cảm trên cơ mặt lẫn ánh mắt. Có lúc, khi tưởng trời sắp mưa, Kiên ngước mặt, há miệng ngóng chờ để thỏa cơn khát, sau đó chảy nước mắt vì hụt hẫng. Một trong những cảnh quay gây sốc nhất phim là khi Kiên tóm được một con ếch và ăn sống trong cơn đói. Diễn viên sinh năm 1995 từng cho biết anh phải quay ba lần, nhai nuốt ba con ếch. Để có ngoại hình gầy gò phù hợp, Thanh Trực theo chế độ ăn uống khắt khe, giảm 5 kg. Anh cũng tự đóng nhiều cảnh quay khó của phim - trong đó có phân đoạn treo mình ở ngọn thác cao 55m.
Xen kẽ tuyến truyện chính, những mâu thuẫn gia đình được cài cắm qua các phân cảnh hồi tưởng của Kiên. Từ đây, nhân vật tạo đồng cảm hơn với người xem, phần nào lý giải tâm lý phức tạp của anh ở hồi đầu. Với Kiên, khu rừng không chỉ là trở ngại sống còn, mà còn ẩn dụ cho cuộc thanh tẩy của anh với bản thân. Giữa đói khát, mưa rét, anh nhận ra những lỗi lầm của mình, dần tha thứ cho người thân. Nhân vật bám víu vào ký ức đẹp đẽ trong quá khứ để quên đi nỗi đau hiện tại, từ đó nỗ lực trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Thoát khỏi khu rừng, anh trở thành một người khác - thấu hiểu, cảm thông hơn và không còn thấy cô độc.
Diễn xuất đồng đều của dàn vai phụ là điểm cộng khác của phim. Trở lại sau Mắt biếc (2019), Trần Phong từ bỏ hình ảnh chàng trai sở khanh để vào vai Bách - một người bạn chân thành, quan tâm thành viên trong đoàn. Kiều Trinh tạo dấu ấn với vai người mẹ vật vã chờ tin về đứa con mất tích. Hữu Châu tái ngộ màn ảnh trong nhân vật người cha từng gây ra lỗi lầm với gia đình, sau đó dằn vặt, hối lỗi. Thùy Anh tròn trịa trong vai bạn gái Kiên - cô gái giúp người yêu tháo gỡ những vướng mắc trong lòng ở cuối phim.
Phim ghi điểm ở các góc máy flycam, khắc họa không gian mênh mông của những cung đường trekking, thác nước hiểm trở ở Lâm Đồng. Khi nhóm nhân vật leo lên đến đỉnh Tà Năng - Phan Dũng, máy quay phóng ra toàn cảnh kỳ vĩ của núi rừng đại ngàn. Khi Kiên chật vật tìm cách sinh tồn, đạo diễn chủ yếu chọn thủ pháp quay đối lập, làm bật lên dáng vẻ bé nhỏ của con người giữa chốn rừng thiêng nước độc. Kỹ thuật hóa trang tạo ấn tượng thị giác ở các phân đoạn nhân vật bị thương, tiều tụy, ốm đói sau nhiều ngày lăn lộn.
Trong buổi công chiếu tại TP HCM hôm 28/12, nhà sản xuất Hoàng Quân và đạo diễn Hữu Tấn tự nhận là những kẻ liều lĩnh khi theo đuổi dòng phim kén khán giả. Hoàng Quân khóc vì nhớ 36 ngày quay ở Tà Năng - Phan Dũng. Anh cho biết 120 thành viên trong đoàn đi bộ hai, ba giờ để đến bối cảnh quay. Đa số êkíp dựng lều để ngủ lại nhiều ngày ở vùng rừng núi, nhiệt độ ban ngày cao nhất 40 độ C, đêm xuống còn 12 độ C. Mỗi ngày, họ vận chuyển 200 lít nước uống, 200-300 kg thực phẩm để chăm sóc đoàn. Nhà sản xuất nói: "Nếu được chọn lại, tôi không dám làm phim vì nghĩ đến cảnh cực khổ của đoàn. Nhưng nhờ vậy, tác phẩm trở thành kỷ niệm đẹp của chúng tôi, đánh dấu tình bạn 10 năm giữa tôi và đạo diễn Hữu Tấn".
Tam Kỳ