Sáng 18/1, công ty Nhã Nam phối hợp với Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức tọa đàm "Thế giới trong gương của Haruki Murakami". Tham dự sự kiện có nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà nghiên cứu Trần Thị Tố Loan, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng và Lương Việt Dũng.
Từng được gặp và trò chuyện cùng nhà văn nổi tiếng Nhật Bản, Lương Việt Dũng mang đến cho những bạn trẻ yêu thích Murakami một hình dung cụ thể về con người bằng xương bằng thịt của ông. Lương Việt Dũng chia sẻ Murakami nhận lời tiếp chuyện anh bởi Dũng được giới thiệu là dịch giả đến từ Việt Nam chứ không phải một nhà báo. Murakami đặc biệt không thích truyền thông. Lương Việt Dũng kể, anh đến nơi làm việc của Murakami ở một khu nhà, sau khi leo hết bốn tầng cầu thang bộ thấp và hẹp đúng phong cách Nhật Bản. Đó là một căn hộ nhỏ nhắn. Murakami hôm đó để râu rậm rạp. Nhà văn nổi tiếng, theo Lương Việt Dũng, có vẻ không giỏi giao tiếp với người lạ khi thậm chí diễn đạt kém trôi chảy bằng chính tiếng Nhật trong suốt buổi nói chuyện. Ông cũng kiệm lời và đặc biệt không thích nhắc nhiều đến tác phẩm của mình.
Murakami tuyệt nhiên không phải là người kênh kiệu, khó gần mà giản dị và bí ẩn. Nhà văn dễ dàng đồng ý cho dịch giả chụp hình làm kỷ niệm nhưng sau đó, thông qua thư ký, ông đề nghị không công bố các bức hình vì chúng được chụp khi ông chưa chỉnh trang đầu tóc, quần áo. Điều này cho thấy sự coi trọng hình ảnh của ông. Lương Việt Dũng cho biết Murakami là người thích thể thao, vì theo ông, con người ta cần đủ sức khỏe để có được sự bền bỉ trong tâm hồn và trường sức viết. Khi ra ngoài, ông mặc áo khoác có mũ, trùm kín đầu và kéo khóa che hết mặt. Ông đút tay vào túi áo khoác và đi lẫn vào dòng người trên đường phố, không ai biết ông là một nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm khiến cả thế giới tìm đọc. Murakami nói, ông có thể đến Việt Nam nhưng nếu đến là đi du lịch một cách lặng lẽ, bí mật, chứ không phải gặp gỡ truyền thông hay làm việc.
Ngoài những câu chuyện thú vị về con người Haruki Murakami, cuộc tọa đàm xoay quanh nhiều vấn đề trong sáng tác của nhà văn. Trước hết, về thế giới thực tại và con người trong các tác phẩm của ông, chị Tố Loan đưa ra những kiến giải thú vị. Theo chị, có thể bắt gặp ở thế giới của Murakami một thực tại đa diện. Trước hết, đó vẫn là một không gian đời thường với những sinh hoạt cụ thể trong bối cảnh nước Nhật hiện đại. Những hộp đêm, nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, những khu học xá có những con người tẻ nhạt, bí hiểm, những lớp học vắng ngắt thiếu sức sống của xã hội Nhật Bản những năm 1960 trong "Rừng Nauy"; hay cuộc sống đời thường trong căn nhà ở một khu phố với người đàn ông vừa nghe nhạc, vừa nấu mì spaghetti trong "Biên niên ký chim vặn dây cót". Tuy vậy, thế giới trong gương - thế giới phản chiếu qua cái nhìn của Murakami - không chỉ có thực tại đời thường mà còn có một thực tại phi thực. Đó là "chốn tận cùng thế giới" trong "Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới", đó là thị trấn nhỏ giữa thung lũng trong một khu rừng rậm, nơi trú ẩn những linh hồn đã mất trong "Kafka bên bờ biển"... Trong hầu hết sáng tác của Haruki Murakami đó là thực tại kỳ ảo của giấc mơ và trí tưởng tượng.
Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng cho rằng, trong "gương" của Murakami, không chỉ một thế giới mà nó là đa bội thế giới. Luôn có một hay nhiều thế giới tồn tại song song với đời thực mà con người đang sống và người nào may mắn sẽ nhìn thấy được nó hay bước chân được vào thế giới đó. Quả thực vậy, thông thường, nhân vật trong các tác phẩm của Murakami thường tìm thấy mình trong một bản thể khác, sau khi bước qua một bức tường, rời khỏi toa xe lửa, xuống một cái giếng... Không phải họ bước hoàn toàn sang thế giới khác mà sống một lúc cả hai thế giới. Các nhân vật của ông có lúc tự cảm thấy mình xa lạ với chính con người, quá khứ, thậm chí bản thân họ của một giây phút trước. Họ cô đơn, họ trầm mặc và họ như không hoàn toàn thuộc về cuộc đời này.
Nhà nghiên cứu Tố Loan cho rằng, với một thế giới đa diện như vậy, con người trong sáng tác của Haruki Murakami có nhiều bản ngã và họ phải tự đấu tranh để chọn bản ngã hay nhất, tốt nhất phù hợp với thực tại. Nhân vật trong "Rừng Nauy" là những con người có vẻ bề ngoài lành lặn, bình thường nhưng tâm hồn lại bị tổn thương, bị ám ảnh bởi quá khứ nặng nề. Họ luôn cảm thấy thiếu vắng một cái gì đó và hoang mang đi tìm đâu là bản thể của mình. Họ cũng là những người trẻ trong thế giới hiện đại đầy sự cô đơn và hoang mang trước một thực tại vỡ vụn, không nắm bắt được tương lai, quá khứ, truyền thống của họ.
Murakami được coi là một người kể chuyện giỏi với vô số mảnh vỡ câu chuyện, những "tiểu tự sự" trong tác phẩm của ông. Nhân vật luôn thường trực nỗi hoang mang trước một thế giới phân rã, vỡ vụn những giá trị. Vậy, Murakami hậu hiện đại hay không? Chị Tố Loan cho rằng, ông chính là đại diện của hậu hiện đại khi thể hiện một thế giới đứt gãy, đa diện và sự đa bản thể của con người. Theo dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng, Murakami sâu sắc hơn những gì người đọc thấy trên câu chữ. Ông chỉ là người kể chuyện, viết không nhằm tải đạo nhưng chúng ta cảm thấy mình tốt hơn lên sau khi đọc ông. Và bởi thế, Murakami có hậu hiện đại hay không, thì ông văn chương của ông cũng hướng Thiện, và đó chính là lý do nhà văn nhiều lần được coi là đề cử Nobel văn học cho các tác phẩm của mình.
Haruki Murakami vốn là chủ đề của nhiều cuộc tranh cãi quanh việc ông truyền thống hay nệ phương Tây khi mà các tác phẩm của Murakami thường ít nhắc đến các giá trị của Nhật Bản trong khi đó ngập tràn nhạc jazz, spaghetti, bơ sữa, tình dục... Các diễn giả cho rằng, tinh thần đất nước ông đằm sâu dưới mỗi tác phẩm đậm tính phương Tây. Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Murakami viết bằng tiếng Nhật tức là phải tư duy bằng văn hóa Nhật Bản, chứng tỏ ông truyền thống hơn bao giờ hết. Và như chính nhà văn từng nói: "Tôi viết về con người dù là ở bất cứ đâu" - đó là câu trả lời xác đáng nhất cho những băn khoăn Murakami có truyền thống hay không.
Haruki Murakami sinh năm 1949, khởi nghiệp viết văn từ năm 29 tuổi. Những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông gồm "Rừng Nauy", "Biên niên ký chim vặn dây cót", "Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời", "Kafka bên bờ biển", "Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới", "Cuộc săn cừu hoang", "Nhảy nhảy nhảy"... Mới đây, tiểu thuyết mới nhất của ông "1Q84" cũng đã có mặt ở Việt Nam. Murakami từng nhận giải thưởng Franz Kafka Prize và Jerusalem Prize cùng nhiều giải thưởng khác.
Hà An