Thanh Huyền -
Dưới đây là nội dung một cuộc trò chuyện của ông với độc giả Nauy đăng tải trên Asahi.
- Ông có thể chia sẻ một chút về "1Q84"?
- George Orwell viết 1984. Đó là câu chuyện về tương lai. Ông hoàn thành cuốn tiểu thuyết này năm 1949 - năm tôi ra đời. Còn tôi viết "1Q84" năm ngoái. Đó là cuốn sách về quá khứ.
Nên chúng tôi cùng viết về một năm, nhưng từ hai điểm nhìn khác nhau. Tôi không muốn viết về tương lai, bởi viết về tương lai rất tẻ nhạt. Bạn xem Blade Runner hay Terminator rồi chứ. Chúng đều tối đen và mưa rất nhiều. Nghe buồn thảm nhỉ? Tôi muốn viết về quá khứ, quá khứ gần. Nên cuốn sách không phải là sự sao chép lại tác phẩm của Orwell mà là sự sáng tạo lại.
Tôi luôn cảm thấy thế giới chúng ta sống không thực. Nó như là một hình ảnh ảo nào đó. Sau sự kiện 9/11, cảm giác này càng thể hiện rõ.
- Ông có tin vào sức mạnh của những trang viết?
- Tôi tin vào sức mạnh của những câu chuyện. Bởi câu chuyện dẫn tôi đến với những thế giới đầy ý nghĩa.
Khi bắt đầu viết, tôi hoàn toàn trống rỗng, không có dự định gì. Tôi để mình rơi vào cõi tăm tối để tìm ra một câu chuyện. Tôi mang câu chuyện đó đến thế giới thực và tạo thành một cuốn tiểu thuyết.
Tôi nghĩ sức mạnh của các câu chuyện giúp tôi tồn tại.
Nhà văn Haruki Murakami. Ảnh: Asahi. |
- Sau "Rừng Nauy", ông trở nên đặc biệt nổi tiếng. Và ông thực hiện những chuyến giao lưu đọc sách trên khắp thế giới. Điều này có khiến ông hoảng sợ?
- Sách của tôi được dịch ra 46 thứ tiếng. Chỉ tính riêng ở Tây Ban Nha, tác phẩm của tôi được chuyển thể thành 4 ngôn ngữ.
Năm ngoái, tôi đến Barcelona để ký tặng sách. Có hơn 1.000 người đã đổ đến. Tôi rất ngạc nhiên. Mấy cô gái còn đòi hôn tôi. Họ rất xinh đẹp. "Ồ thế thì được thôi". Biên tập viên nhà xuất bản nói với tôi. "Murakami, ông không có nhiều thời gian đâu. Vì thế, hãy tiết kiệm, đừng lãng phí thời gian bằng những nụ hôn". Nhưng tôi trả lời: "Tại sao không? Chuyện này có bị cấm đâu?".
Tôi không hiểu tại sao những điều tốt đẹp như thế lại xảy ra.
- Ông có thích Nauy không?
- Thật là một câu hỏi khó. Tôi vừa chỉ có mặt ở Nauy trong khoảng 4 tuần.
- Vậy sau 4 tuần ông ở Nauy, liệu chúng tôi có quyền hy vọng vào sự ra đời của một "Rừng Nauy 2" không?
- Khi tôi đến đây vào năm 1999, tôi giao lưu với độc giả tại một hiệu sách ở Oslo. Tôi đã viết một cuốn tiểu thuyết tên là Rừng Nauy, nhưng tôi không biết chính xác ý nghĩa của cái tên đó. Không hiểu nó là "rừng Nauy" hay "gỗ Nauy". Ở Nhật, người ta dịch bài hát Norwegian wood của Beatles thành "Cánh rừng Nauy". Tôi không biết như thế có chính xác không?.
- Ông từng nói, những nhà văn kinh điển của Nhật như Yukio Mishima khiến ông cảm thấy rất tẻ nhạt. Tại sao lại như vậy?
- Ở Nhật, chúng tôi ăn mực ống và bạch tuộc. Ở Nauy, các bạn có ăn những thứ này không? Tôi thích mực ống hơn bạch tuộc. Và tôi không biết giải thích điều đó như thế nào cả.
- Những ngày ở Nauy, ông có nhận xét gì về các nhà văn Nauy?
- Khi tới sân bay Oslo, tôi mua được một cuốn sách mà tôi rất thích. Đó là tác phẩm tuyệt vời vì tác giả chỉ chăm chú kể câu chuyện, hết chi tiết này đến chi tiết khác mà không đưa ra một lời giải thích nào. Thật tuyệt. Tôi thích như thế.
- Ông dùng dầu gội đầu gì? Chúng tôi rất ngưỡng mộ mái tóc của ông?
- Tôi chẳng bao giờ thích tóc tôi cả. Bây giờ tôi đang dùng Helsinki Formula.