Pham Mi Ly
Trên tờ New York Times năm 2005, Murakami được đánh giá là nhà văn Nhật có vị thế quốc tế, được độc giả thế giới đón nhận nhưng lại tự nhận là “ đứng ngoài quỹ đạo văn học Nhật Bản”. Trong buổi thuyết trình về văn học đương đại Nhật Bản ở Hà Nội hôm 7/3, từ góc nhìn của người Nhật, Masatsugu Ono nêu lên ý kiến trái ngược. Anh cho rằng Murakami không hẳn đã phá bức tường bao quanh nền văn học Nhật nhưng là người có công đầu đẩy bức tường đó xa khỏi biên giới Nhật Bản, đưa văn học Nhật đến với thế giới.
Nhà văn Masatsugu Ono trong buổi thuyết trình về văn học đương đại Nhật Bản tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam ở Hà Nội, sáng 8/3. Ảnh: Pham Mi Ly. |
Hồi năm 2007, khi trả lời tạp chí Time, Murakami cũng bày tỏ mong muốn thực hiện “ chuyến hành trình ngược về Nhật Bản”, trở về với đất nước và cội rễ của mình chứ không đứng ngoài lề như trước.
Theo Ono, trong gần 20 năm từ năm 1987 đến nay, Murakami là tác giả trung tâm của nền văn học đương đại Nhật Bản với nhiều tác phẩm lớn. Masatsugu Ono nhắc đến bộ tiểu thuyết quan trọng 3 tập “ 1Q84” ra mắt từ năm 2004 đến năm 2010. Đến nay bộ tiểu thuyết bán được hơn 2 triệu bản ở Nhật, chưa kể ở Hàn Quốc, Trung Quốc và nhiều nước khác. Năm 2002, nhà văn bắt đầu thực hiện bộ “ Biên niên ký chim vặn dây cót” 3 tập và “Kafka bên bờ biển” 2 tập, lần lượt ra mắt trong các năm sau đó.
Nhà văn Haruki Murakami. Ảnh: esquire. |
Murakami đã chứng tỏ được tài năng trong lĩnh vực dịch thuật. Ông đã chuyển ngữ tác phẩm của các nhà văn Mỹ Tim O’Brien (“The Nuclear Age” và “The Thing They Carried”) và J.D. Salinger (“Bắt trẻ đồng xanh”). Bản dịch “ Bắt trẻ đồng xanh” của J.D. Salinger do ông thực hiện đã gây tiếng vang ở Nhật. Nhiều tác phẩm tiêu biểu của Murakami cũng được viết ở nước ngoài chứ không phải Nhật Bản. Việc tiếp xúc với văn học nước ngoài trong dịch thuật và sáng tác có ánh hưởng to lớn đối với các tác phẩm của Murakami.
Không chỉ đạt được những thành công cá nhân, nhà văn “Rừng Na Uy” còn tạo cảm hứng cho những tác giả Nhật khác. Thứ văn chương tiếng Nhật hiện đại và phóng khoáng của Murakami góp phần mở cửa cho các nhà văn thế hệ sau. Ogawa Yoko, nhà văn nữ tiêu biểu của Nhật hiện nay, từng nói: “Vào một ngày, Murakami bỗng dưng xuất hiện như từ một hành tinh khác tới. Đọc văn ông, tôi cảm thấy như tìm được thứ không khí hợp với cơ thể mình. Điều đó làm tôi thấy có thể cầm bút và sáng tác”.
Sự ra đời của bộ tiểu thuyết "1Q84" càng khẳng định vị trí của Murakami trên văn đàn Nhật. Ảnh: kirainet. |
Nổi bật nhất trong các tác phẩm của Murakami xuất bản tại Việt Nam là tiểu thuyết “ Rừng Nauy”. Cuốn sách này đến nay bán được 10 triệu bản ở Nhật. Dân số Nhật hiện khoảng 103 triệu người. Có thể nói cứ 10 người Nhật (chứ không phải 7 như lâu nay người Việt Nam nhầm tưởng) thì có một người đã đọc “Rừng Nauy”, vẫn là con số rất đáng nể. Theo Masatsugu Ono, văn chương của Murakami cân bằng giữa tính giải trí và tính văn học nên đạt độ ăn khách vượt trội cả trong và nước. Trên thực tế, ở Nhật hiện nay, các tác phẩm văn học thuần túy khi xuất bản chỉ có thể in 3.000 đến 4.000 cuốn, và cũng không dễ bán. “Giới trẻ Nhật hiện nay không đọc văn học thuần túy nữa rồi”, Ono cho biết, theo như kết quả anh khảo sát trên các sinh viên của mình. Những người đọc Murakami ở Nhật Bản chủ yếu ở độ tuổi trên 30.
Tại buổi thuyết trình, Masatsugu Ono khẳng định tầm ảnh hưởng của hai nhà văn Nhật nổi tiếng thuộc hai thế hệ khác nhau là Kenzaburo Oe, người đoạt giải Nobel năm 1994, và Haruki Murakami, tác giả Nhật được đọc nhiều nhất ở nước ngoài. Anh cho rằng nghiên cứu Kenzaburo Oe và Haruki Murakami có thể giúp ta rút ra các đặc điểm của văn học Nhật qua các thời kỳ.