Đi tìm lời giải cho bài toán 'đèn xanh - đỏ' của Đà Lạt, nhiều độc giả VnExpress gợi ý các giải pháp hạn chế ùn tắc cho thành phố du lịch này mà không cần sử dụng đèn giao thông:
Theo ý kiến của tôi, nên để Đà Lạt là thành phố không đèn xanh - đỏ. Việc giảm tắc nghẽn phải có giải pháp đồng loạt cụ thể:
1. Hạn chế được phương tiện ôtô, xe máy cá nhân ở địa phương khác không được vào thành phố và ôtô, xe máy nội thành cũng có giải pháp pháp riêng, tránh biến tướng.
2. Xây dựng bãi đỗ xe công cộng để người dân gửi xe ôtô và xe máy với giá mềm.
3. Phát triển phương tiện xe buýt công cộng đa dạng về xe và phủ kín được thành phố.
Các giải pháp phải đồng bộ và cần thực hiện ngay và luôn.
Theo tôi, giải pháp cho Đà Lạt như sau:
1. Không lắp đèn tín hiệu xanh - đỏ để tạo bản sắc riêng, duy nhất cho thành phố.
2. Nâng giá tất cả các loại dịch vụ xe cộ vào trung tâm lên càng cao càng tốt.
3. Cho đỗ tất cả các loại xe ôtô tại khu vực sân bay Liên Khương, không cho vào trung tâm.
Tóm lại: Không cần phải tốn thời gian, công sức, tiền bạc làm gì cả. Chỉ cần làm như vậy sẽ hạn chế được các thành phần đòi hỏi, gây rối cho du lịch.
Giao thông Đà Lạt cần phải thực hiện gấp những giải pháp sau:
1. Dừng ngay cấp phép xây dựng khách sạn mới trong vùng lõi của thành phố. Chỉ cho cải tạo những khách sạn hiện có.
2. Khẩn cấp làm bến xe khách tại các con đường dẫn vào thành phố, chỉ cho xe dưới 16 chỗ và xe buýt vào thành phố.
3. Dán tem có giá tiền cho ôtô vào thành phố. Gắn camera khắp con đường trong thành phố, nếu xe nào vi phạm sẽ tự trừ số tiền trên tem.
4. Cho xây dựng một số bãi xe tĩnh trong thành phố, không cho đỗ dưới lòng đường.
5. Quy hoạch thành phố Đà Lạt 2, cách trung tâm khoảng 20 km. Chuyển toàn bộ các sở ban nghành tỉnh Lâm Đồng ra đây.
>> Hầm chui 700 tỷ ở Hà Nội và quy hoạch 'tắc đâu mở đấy'
Khó khăn chung chứ không riêng gì Đà Lạt. Mỗi lần đi, tôi lại thêm một lần hụt hẫng với Đà Lạt.
- Cách làm du lịch manh mún, băm nát đã làm Đà Lạt trở nên xấu xí hơn. Nên quản lý, điều tiết và đặc biệt là quy hoạch du lịch theo khả năng phục vụ của thiên nhiên, con người và hạ tầng.
- Hạn chế phương tiện giao thông trên 16 chỗ lưu hành vào thành phố (chỉ ưu tiên cho xe biển số Đà Lạt và được dán tem lưu hành nội ô).
- Nâng cấp hạ tầng đồng bộ (không khuyến khích đặt đèn giao thông), vỉa hè đi bộ cần chiếm diện tích lớn hơn so với mặt đường (điều này hơi ngược nhưng sẽ hạn chế phương tiện lưu thông, giảm khí thải, khuyến khích du khách đi bộ)
- Nâng cao nội hàm của sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng thế mạnh là khí hậu, con người, sản vật.
- Xây dựng văn hóa giao thông đặc trưng: thành phố xe đẹp, đi bộ, dân luôn nở nụ cười...
- Mở rộng các tuyến đường ven trung tâm thành phố để có chỗ đậu xe.
- Quy hoạch hai, ba điểm đỗ xe lớn khu vực vùng ven để xe có bãi đậu khi cấm xe vào trung tâm ngày chẵn, lẻ.
- Cấm xe theo ngày chẵn, lẻ vào trung tâm thành phố (ngày lẻ cho xe con gia đình, 16 chỗ; ngày chẵn cho xe khách 36 chỗ trở lên).
- Giờ cao điểm, tan trường, cấm xe lớn lưu thông khu vực trung tâm.
- Lắp đặt camera giám sát, xử phạt nặng những xe vi phạm.
Đã chỉ ra được Đà Lạt quá tải là do mọi thứ liên quan tới du lịch đều tập trung hết về khu trung tâm. Vậy nên cứ theo hướng đó mà giải quyết. Chuyển bớt khách sạn, nhà hàng, khu mua sắm ra khỏi trung tâm. Hạn chế hoặc không cấp phép cho khách sạn mới ở khu vực này.
Tiếp theo là hạn chế phương tiện vận tải trên 29 chỗ đi vào trung tâm, chỉ những đơn vị đã đăng ký trước mới được vào theo sự điều phối của thành phố; còn xe chở hàng kích thước lớn phải đi theo giờ quy định. Quy hoạch các bãi tập kết xe khách ở vùng ven thành phố, bổ sung xe trung chuyển, xe điện.
Người dân ở trung tâm Đà Lạt cũng nên chịu đánh đổi một chút. Đâu thể vừa đòi có khách du lịch đến nườm nượp để việc kinh doanh của các bạn phát đạt, lại vừa muốn giao thông phải quy củ, gọn gàng được. Đà Lạt là một thành phố rất đặc trưng, nên đó là điều không thể. Cái gì cũng phải có cái giá của chúng.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.