Chỉ trong tháng 1/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có hai văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng lấy ý kiến người dân, chuyên gia giao thông, khách du lịch về việc lắp đèn tín hiệu, đồng thời công bố cuộc thi tìm ý tưởng giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông cho thành phố Đà Lạt. Là người sinh ra và lớn lên tại thành phố này, hàng ngày theo cùng "nhịp thở’’ của nơi đây, tôi muốn nêu một số quan điểm xuất phát từ thực tế.
Thứ nhất, Đà Lạt được xây dựng với mục đích trở thành đô thị nghỉ dưỡng. Đà Lạt có ba "không": không đèn tín hiệu giao thông, không xích lô, không máy điều hòa. Ba "không" này xuất phát từ khí hậu và địa hình tự nhiên, chứ không phải người Đà Lạt không thích chúng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, Đà Lạt thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Trong nội ô Đà Lạt có 5 điểm hiện thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông: Vòng xoay 3/2 - Hải Thượng; bùng binh phun nước trước Bưu điện Đà Lạt; vòng xoay Trần Hưng Đạo - Hồ Tùng Mậu; vòng xoay Ngã 5 Đại học; vòng xoay Phan Chu Trinh - Trần Qúy cáp. Chính quyền Đà Lạt đang cân nhắc lắp đặt hệ thống đèn giao thông tại các khu vực này.
Nguyên nhân lớn là do quá tải dân số, mật độ phương tiện gia tăng nhanh. Trước đây, Đà Lạt được quy hoạch phù hợp với khoảng 150 nghìn dân. Trong khi đó, ngày này, dân số Đà Lạt đã lên tới 240 ngàn người, chưa kể mỗi năm Đà Lạt đón gần bảy triệu khách du lịch.
Có thể nói bài toán ùn tắc giao thông mà Đà Lạt đang gặp phải là hệ quả của một thời gian dài tập trung phát triển khu trung tâm. Mật độ xây dựng ở trung tâm Đà Lạt dày đặc đến mức không còn hở mét đất nào. Các dịch vụ thiết yếu đều ở khu vực này nên bất cứ ai đến Đà Lạt cũng phải vô khu trung tâm.
>> Bãi rác Cam Ly không khó xử lý
Có dịp đến các thành phố du lịch trong nước, tôi thấy hạ tầng giao thông đều rất tốt, ở đâu cũng có đường tránh, đường vành đai hay các bãi đậu xe. Việc xây dựng hệ thống đường vành đai và các bãi đậu xe ở phụ cận trung tâm Đà Lạt cũng đã được chính quyền tỉnh quan tâm và đưa vào quy hoạch từ vài ba năm trước. Nhưng xem ra với số vốn vài ba ngàn tỷ đã vượt tiềm lực của vùng đất này, khiến các công trình này gần như dậm chân tại chỗ.
Trở lại chuyện đèn xanh, đèn đỏ cho giao thông Đà Lạt. Có lẽ khi người Pháp bắt tay quy hoạch Đà Lạt, họ không thiết kế hệ thống đèn tín hiệu bởi tính tới yếu tố an toàn hơn là nét đặc trưng của một thành phố. Đường giao thông ở Đà Lạt phải thường xuyên tiếp cận độ chênh lệnh của địa hình. Tại một ngã ba, điểm giao nhau có khi là chân dốc của đường này mà lại là đỉnh dốc của con đường tiếp giáp.
Một chuyên gia giao thông nói: không cứ đường giao nhau ở Đà Lạt là lắp đèn tín hiệu vì như thế sẽ rất nguy hiểm. Địa hình Đà Lạt có độ chênh lênh đột ngột, một chiếc xe tải lớn đang cố bò lên dốc không thể dừng đột ngột ngay đầu đỉnh dốc. Và ngược lại, khi đang đổ dốc, nó cũng khó có thể dừng ngay tức khắc ở điểm có đèn báo. Cũng theo vị chuyên gia giao thông này, Đà Lạt từ xưa đã không thiết kế đèn tín hiệu giao thông nên để lắp đặt hệ thống này còn phải cải tạo hàng loạt điểm giao nhau mới bảo đảm tính hợp lý, khoa học. Việc này nghe có vẻ đơn gian nhưng đòi hỏi kinh phí lớn và có khi còn làm mất cảnh quan vốn có.
Là một người dân Đà Lạt, tôi không mong muốn thành phố có đèn tín hiệu giao thông, rất nhiều khách du lịch cũng cùng chung quan điểm trên một số diễn đàn. Tuy nhiên, với những hộ dân Đà Lạt sống gần những điểm thường ùn tắc, họ lại rất mong muốn vì đã ngán ngẩm với khói bụi và tiếng ồn của phương tiện. Đây đang là bài toán khó của Đà Lạt, rất mong chính quyền địa phương sẽ có một giải pháp lâu dài và ổn thỏa.
Quốc Dũng
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.