Trong hai ngày thảo luận an ninh với Mỹ hồi đầu tuần ở Geneva, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei A. Ryabkov, trưởng đoàn Nga, đưa ra hàng loạt thông điệp mâu thuẫn liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Ông mô tả cuộc đàm phán là "sâu sắc" và "cụ thể", nhưng đồng thời cảnh báo nếu Mỹ không đáp ứng yêu cầu của Nga, an ninh của toàn bộ châu Âu có thể bị đe dọa.
Tuyên bố của Ryabkov khiến màn sương mù bao quanh ý định thực sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin với Ukraine trong suốt tuần qua càng trở nên dày đặc, khiến các chuyên gia và lãnh đạo phương Tây phải băn khoăn về động thái tiếp theo của Nga là gì.
Ngay cả những chuyên gia chuyên giải mã những tính toán của Tổng thống Putin cũng cảm thấy bối rối. "Ý kiến chuyên gia mà tôi có thể đưa ra là: Ai mà biết được", Fyodor Lukyanov, nhà phân tích chính sách đối ngoại Nga nổi tiếng và là người đứng đầu một hội đồng cố vấn cho Điện Kremlin, nói.
Các nhà phân tích nói rằng ngay cả những quan chức thân cận với Putin, chứ không riêng Thứ trưởng Ryabkov, cũng không biết Tổng thống Nga có chiến lược thực sự thế nào với Ukraine. Họ cũng không biết ông sẵn sàng chấp nhận những nhượng bộ nào của Mỹ để tháo ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng.
Putin thậm chí có thể không cần đưa ra một quyết định cụ thể, theo các nhà phân tích Nga và quan chức Mỹ. Thay vào đó, ông buộc phương Tây phải dò đoán ý định của mình.
"Điều quan trọng là kết quả", Dmitri Peskov, người phát ngôn của Putin, nói trong cuộc họp báo ngày 11/1 về cuộc đàm phán với Mỹ. "Hiện tại, không có gì để nói về bất kỳ kết quả nào".
Các cuộc đàm phán tiếp tục trong tuần này, khi quan chức Nga gặp đại diện NATO ở Brussels cũng như Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), nhóm 57 quốc gia trong đó có Nga, Mỹ và Ukraine.
Peskov cho biết sau các cuộc đàm phán này, Nga sẽ quyết định có nên tiếp tục tiến trình ngoại giao hay không.
Chính sách "bên miệng hố chiến tranh" của Putin trong những tháng gần đây là minh chứng điển hình cho khả năng tận dụng căng thẳng và khó đoán định để giành lợi ích của Tổng thống Nga.
Suốt nhiều năm qua, Putin đã tỏ ra bất bình với quá trình mở rộng của NATO về phía đông và thái độ ủng hộ của Mỹ với Ukraine. Hiện tại, bằng cách tạo ra một cuộc khủng hoảng an ninh mới có thể đe dọa chương trình nghị sự của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Putin đã thành công khi đưa mối bận tâm của ông thành vấn đề thảo luận hàng đầu ở Washington.
"Lần đầu tiên trong 30 năm, Mỹ đồng ý thảo luận các vấn đề mà chỉ cách đây một năm, họ từng xem là không thể đàm phán", Tatiana Stanovaya, nhà sáng lập công ty phân tích chính trị R.Politik ở Nga, nói.
Khi đã đưa Mỹ ngồi vào bàn đàm phán, Putin tiếp tục theo đuổi một chiến lược cổ điển khác của ông: tung ra loạt động thái trên thực địa, vẽ ra nhiều hướng đi khác nhau để mọi người đồn đoán, cho phép ông có thời gian lựa chọn chiến thuật phù hợp nhất tùy theo diễn biến tình hình, theo Anton Troianovski, nhà phân tích của NY Times.
Điều đó được chứng minh qua tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Ryabkov rằng ông không đưa ra tối hậu thư và dự đoán sẽ không bên nào phá vỡ thỏa thuận, nhưng cũng thêm rằng điều kiện tiên quyết là Mỹ phải đảm bảo Ukraine không bao giờ được gia nhập NATO.
Ông nói Nga không đặt thời gian cụ thể, nhưng cần một "phản ứng nhanh chóng" đối với các yêu cầu của họ. Dù nói rằng "không có lý do để lo sợ kịch bản leo thang căng thẳng" ở Ukraine, Ryabkov cũng cảnh báo phương Tây không thể lường trước được mức độ nguy hiểm của việc từ chối các yêu cầu từ phía Nga.
Thông điệp mâu thuẫn tiếp tục được đưa ra vào ngày 11/1, khi người phát ngôn Điện Kremlin Peskov bác bỏ đánh giá tích cực mà ông Ryabkov đưa ra một ngày trước đó. "Hiện tại, chúng tôi không thấy bất kỳ lý do thực sự nào để lạc quan", Peskov nói.
Chiến lược "màn sương mù" của Putin cũng khiến các nhà ngoại giao bên cạnh ông không có không gian linh hoạt trên bàn đàm phán, thậm chí đôi khi còn khiến họ gặp khó khăn trong duy trì một thông điệp nhất quán. Stanovaya cảnh báo rằng ngay cả khi các nhà ngoại giao đạt được thỏa thuận nào đó trên bàn đàm phán, một số người có quan điểm cứng rắn hơn ở Moskva có thể sớm bác bỏ chúng.
Giới phân tích nhận định ngay cả Thứ trưởng Ryabkov nhiều khả năng cũng không nắm rõ Điện Kremlin đang cân nhắc những phương án quân sự nào. Các biện pháp phòng Covid-19 được Nga áp dụng để bảo vệ Tổng thống Putin khiến ngay cả những người thân cận cũng phải trải qua nhiều ngày cách ly trước khi tới gặp ông.
"Không ai biết chắc chắn liệu Putin có sẵn sàng phát động một cuộc chiến tranh tổng lực, hay đây chỉ là một màn phô trương lực lượng", Stanovaya nói.
Dù Ryabkov và nhiều quan chức Nga phủ nhận Moskva có ý định tấn công Ukraine, Tổng thống Putin trong hai cuộc họp báo hồi tháng 12/2021 không đưa ra cam kết như vậy. Thay vào đó, ông cảnh báo sử dụng biện pháp "quân sự kỹ thuật" nếu phương Tây không đáp ứng các đề xuất an ninh của Nga, dù không nói rõ đó là những biện pháp gì.
Kể từ khi Liên Xô tan rã, hơn 10 quốc gia ở khu vực Trung và Đông Âu đã gia nhập NATO. Năm 2008, NATO tuyên bố hai nước thuộc Liên Xô cũ là Gruzia và Ukraine có thể trở thành thành viên, dù họ sẽ mất nhiều năm để đáp ứng tiêu chí gia nhập.
"Chúng tôi cần những đảm bảo lâu dài, mang tính ràng buộc về mặt pháp lý để giảm hiện diện của NATO ở Đông Âu", Putin nói. Ông thêm rằng "chúng tôi cần một điều gì đó, ít nhất là một thỏa thuận pháp lý, thay vì cam kết bằng lời".
Trong khi Putin có thể khiến Mỹ ngồi vào bàn đàm phán dù các yêu cầu của Nga dường như khó có thể được chấp thuận, Stanovaya và nhiều nhà phân tích cảnh báo thời điểm này, chỉ riêng đàm phán là không đủ với lãnh đạo Nga.
"Putin cho rằng người Mỹ sẽ chỉ chú ý đến những mối đe dọa cụ thể và cấp bách", Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Carnegie Moskva, nói. "Ông ấy sử dụng sự khó đoán, căng thẳng và cả những mối đe dọa cho mục đích của mình".
Giới phân tích cho rằng yêu cầu NATO đảm bảo không mở rộng về phía đông và dừng hợp tác quân sự với Ukraine là hai ưu tiên quan trọng nhất với Putin hiện nay. Đề nghị đàm phán về vị trí đặt tên lửa và tập trận quân sự ở châu Âu mà Mỹ đưa ra hôm 10/1 cũng được Nga quan tâm, nhưng ông Ryabkov chỉ ra những vấn đề này ít được ưu tiên hơn.
NATO nhiều lần bác bỏ ý tưởng rằng họ sẽ cho phép bất kỳ quốc gia nào ngăn khối kết nạp thành viên, khiến cuộc đàm phán có nguy cơ lâm vào bế tắc. Tuy nhiên, ông Lykyanov cho rằng thực tế cuộc đàm phán không sụp đổ ngay lập tức là một chỉ dấu rằng hai bên có thể tìm được cách thỏa hiệp nào đó để đạt được kết quả khả thi.
Nhận định về những động thái tiếp theo của Nga, ông Lukyanov nói rằng nó phụ thuộc hoàn toàn vào Tổng thống Putin, người có quyền lực cao nhất trong đưa ra quyết sách đối ngoại ở Nga.
Các cố vấn thân cận có thể cung cấp thông tin cho Tổng thống Nga, nhưng khó có người nào có thể tạo được tác động trực tiếp tới ông. "Ông ấy tiếp nhận thông tin này, thông tin kia, nhưng những người cung cấp chúng cũng không biết mọi thứ sẽ diễn ra thế nào", Lukyanov nói.
Thanh Tâm (Theo NY Times)