Thu nhập bao nhiêu mới đủ sống ở thành phố? Đó là nỗi trăn trở của không ít cặp vợ chồng trẻ. Chia sẻ thực tế chi tiêu mỗi tháng của gia đình, độc giả tính toán: "Đây là chi phí mỗi thàng của gia đình tôi:
1. Tiền học bán trú của con lớn (lớp 12): 2,5 triệu đồng.
2.Tiền học bán trú của con nhỏ (đang học lớp 4): 1,5 triệu đồng.
3. Tiền ăn sáng và bữa tối của hai vợ chồng: 3 triệu đồng .
4. Tiền ăn tối của hai đứa con: 1,5 triệu đồng.
5. Chi tiêu cho đám cưới, sinh nhật, ma chay...: 500 nghìn đồng.
6. Tiền đổ xăng, dầu, bảo trì xe máy và các phát sinh giao thông khác: 500 nghìn đồng.
7. Tiền chu cấp cha mẹ: 2 triệu đồng.
8. Tiền mua quần, áo, giày dép cho gia đình và chi phí cho dịch bệnh: 500 nghìn đồng.
9. Bảo hiểm cá nhân mua cho hai đứa con: 1,3 triệu đồng
10. Bảo hiểm cho hai vợ chồng: 1,7 triệu đồng.
11. Tiền thuê nhà cho cả gia đình: 2,5 triệu đồng.
12. Tiền mua đồ dùng học tập cho con: 500 nghìn đồng.
Cả gia đình tôi đã phải tính toán chi phí sử dụng một cách căn bản nhất, tiết kiệm nhất, nhưng tháng nào cũng phải tốn ít nhất 18 triệu đồng. Thế nên mức thu nhập đủ sống ở thành phố rõ ràng không hề nhỏ chút nào".
>> 'Thu nhập 30 triệu mới đủ bám trụ thành phố'
Cũng sinh sống và làm việc tại thành phố, có bạn đọc thậm chí còn tốn tới 20 triệu đồng cho sinh hoạt của gia đình bốn người: "Tôi có hai con đang học cấp hai - trường công lập khu vực quận vùng ven thành phố), đã có nhà ở. Thế nhưng, dù hai vợ chồng chi tiêu luôn trên tinh thần tiết kiệm hết mức, mỗi tháng cũng tốn không dưới 20 triệu đồng, bao gồm:
1. Tiền điện: 1,5 triệu đồng
2. Tiền nước: 400 nghìn đồng
3 . Tiền rác: 65 nghìn đồng
4. Tiền học Tiếng Anh của hai con: 1,45 triệu đồng (đứa lớn) và 2,2 triệu đồng (đứa nhỏ)
5. Học thêm ở trung tâm của hai con: 4,7 triệu đồng
6. Tiền ăn: 6 triệu đồng
7. Tiền xăng xe hai vợ chồng đi làm, đưa đón con đi học: 1,5 triệu đồng
8. Tiền ăn sáng: 1 triệu đồng
9. Tiền chi tiêu lặt vặt khi cần: 2 triệu đồng
10. Tiền ma chay, cưới hỏi: Hai năm nay do Covid nên hầu như chúng tôi không tốn khoản này
Trên đây là những mục chi tiêu hàng tháng tối thiểu của gia đình tôi mỗi tháng ở thành phố. Đó là còn chưa tính tới các khoản phát sinh đột xuất hoặc theo cảm hứng (như đi ăn chơi bên ngoài, du lịch trong ngày hay dài ngày...), cái này thì tùy hoàn cảnh nên không tính được".
>> '15 triệu không đủ chi tiêu mỗi tháng'
Đồng quan điểm về mức chi tiêu tối thiểu ở thành phố, độc giả Anh chia sẻ: "Gia đình tôi gồm hai vợ chồng và hai con học Tiểu học ở Quận 12, TP HCM, chi tiêu phải nói là rất tiết kiệm so với các gia đình khác. Thế nhưng chi phí cố định một tháng cũng như sau:
1. Tiền trả góp nhà: 5 triệu đồng
2. Tiền ăn: 7 triệu đồng
3. Tiền học cho hai con: 4 triệu đồng (học phí tiểu học không mất, chỉ mất tiền đầu năm và dụng cụ học tập và tiền học ở trung tâm Anh ngữ, hai còn tôi không học bán trú cũng học thêm gì)
4. Tiền điện, nước, wifi, phí chung cư: 1,5 triệu đồng
5. Các chi chí khác như xăng, xe, điện thoại và phát sinh ngoài: 2 triệu đồng
6. Tiền biếu ông bà nội - ngoại: trung bình 1 triệu đồng
Gia đình tôi hầu như không đi chơi, không ăn uống bên ngoài, nhưng tổng một tháng cũng phải chi tối thiểu 20 triệu đồng mới đủ. Đấy là nhà tôi còn toàn người khỏe mạnh, cả năm không đau ốm gì, nên gần như không mất đồng nào chi cho sức khỏe, ngoài bảo hiểm y tế".
Còn gia đình bạn chi tiêu bao nhiêu một tháng cho cuộc sống ở thành phố?
>> Theo bạn thu nhập bao nhiêu mới đủ sống ở thành phố? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.